Khoản vay của IFC giúp Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng và Ngân hàng Phương Đông tăng cường tài trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19, hỗ trợ phục hồi kinh tế
Hà Nội, Việt Nam, ngày 4 tháng 8 năm 2020—IFC, thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, sẽ cung cấp các khoản vay cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) và Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) để giúp hai ngân hàng này tăng cường hỗ trợ khách hàng—đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19. Với nguồn tài trợ từ IFC, VPBank và OCB sẽ cấp vốn vay bổ sung để những doanh nghiệp trong nước bị gián đoạn về dòng tiền có thể duy trì hoạt động.
Đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam, một động lực chính của tăng trưởng kinh tế trong hai thập kỷ qua. Thực hiện hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, VPBank và OCB đang thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ của các khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn cần hỗ trợ.
Trong khuôn khổ gói hỗ trợ tài chính nhanh để ứng phó đại dịch COVID-19, IFC sẽ cấp các khoản vay thời hạn một năm và có thể gia hạn trị giá 100 triệu USD cho VPBank và 40 triệu USD cho OCB. Các khoản tài trợ này sẽ giúp VPBank và OCB—những khách hàng hiện tại của IFC—tăng cường thanh khoản để tiếp tục cho vay mới cho khách hàng doanh nghiệp, trong khi đồng thời kéo giãn thời hạn trả nợ của các doanh nghiệp.
IFC cũng đang phối hợp cùng các tổ chức tài chính quốc tế, trong đó có Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) huy động một gói tài trợ bổ sung để nâng cao hơn nữa khả năng cho vay các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch của VPBank. AIIB sẽ đồng tài trợ một khoản vay lên tới 100 triệu USD để hỗ trợ VPBank mở rộng tài trợ thương mại và tài trợ vốn lưu động cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19.
“Doanh nghiệp vừa và nhỏ là phân khúc khách hàng chiến lược đối với VPBank và chúng tôi đã liên tục đưa các giải pháp, chính sách mới nhằm đáp ứng nhu cầu của phân khúc này trong bối cảnh đại dịch đang tác động xấu tới nền kinh tế. Khoản tín dụng của IFC sẽ cho phép VPBank hỗ trợ nhiều doanh nghiệp hơn, giúp các doanh nghiệp vượt qua cú sốc bất ngờ từ bên ngoài này cũng như hỗ trợ sự ổn định thị trường tài chính chung của Việt Nam,” ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, cho biết.
Với sự hỗ trợ của Quỹ Xúc tiến Cơ hội cho Nữ Doanh nhân, dự kiến khoảng 20% khoản vay của IFC cho VPBank sẽ được dành để tài trợ cho phụ nữ và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Quỹ Xúc tiến Cơ hội cho Nữ Doanh nhân, một sáng kiến chung của chương trình Ngân hàng Dành cho Phụ nữ của IFC và chương trình 10.000 Phụ nữ của Goldman Sachs, tập trung mở rộng cơ hội tiếp cận vốn cho nữ doanh nhân.
“Dự báo trong thời gian tới, mức độ ảnh hưởng của COVID – 19 sẽ vẫn còn dai dẳng. Do đó, các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng sẽ còn gặp nhiều khó khăn để từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh. Để hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, OCB đã và đang rà soát, điều chỉnh các chương trình cho phù hợp với tình hình thực tế và tiếp tục thực thi các chính sách ưu đãi nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi, giúp họ khôi phục hoạt động, phần nào góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam,” ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB cho biết.
IFC đang triển khai gói tài trợ nhanh 8 tỷ USD để hỗ trợ khách hàng thuộc khu vực tư nhân trên toàn cầu trong cuộc khủng hoảng COVID-19. Phần lớn khoản tài trợ này của IFC sẽ dành cho các ngân hàng đang là khách hàng của IFC, cho phép các ngân hàng này tiếp tục cung cấp tài trợ thương mại, hỗ trợ vốn lưu động, và tài trợ trung hạn cho những doanh nghiệp đang gặp khó khăn do tình trạng gián đoạn trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Kinh nghiệm của chúng tôi từ những cú sốc trong quá khứ, trong đó có cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đã mang đến cho chúng tôi một bài học rằng doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc khủng hoảng hiện nay. Do đó, việc duy trì thanh khoản cho những doanh nghiệp này có vai trò quan trọng nhằm duy trì việc làm và hạn chế thiệt hại về kinh tế,” ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết. “Hỗ trợ của chúng tôi cho VPBank và OCB không chỉ giúp các ngân hàng có thể kéo giãn thời hạn trả nợ cho nhiều khách hàng mà còn tạo điều kiện để hai ngân hàng cấp các khoản vay mới cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp doanh nghiệp tiếp tục hoạt động và duy trì việc làm, từ đó thúc đẩy phục hồi nền kinh tế Việt Nam.”
“Quỹ Xúc tiến Cơ hội cho Nữ Doanh nhân cam kết nâng cao năng lực cho các ngân hàng địa phương để giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Sáng kiến hợp tác này cho phép chúng tôi hỗ trợ mở rộng tài trợ vốn lưu động cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ở các thị trường mới nổi nhằm đảm bảo duy trì nguồn lực cho các doanh nghiệp này tiếp tục hoạt động trong bối cảnh kinh tế đầy thách thức hiện nay,” bà Charlotte Keenan, Giám đốc Toàn cầu Chương trình 10.000 Phụ nữ của Goldman Sachs cho biết.
Về IFC
IFC - tổ chức đồng cấp với Ngân hàng Thế giới và là thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới - là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi. Chúng tôi hoạt động tại trên 100 quốc gia, với năng lực tài chính, chuyên môn và tầm ảnh hưởng của mình, để tạo ra thị trường và cơ hội ở các nước đang phát triển. Trong năm tài chính 2019, chúng tôi đầu tư trên 19 tỷ USD vào các doanh nghiệp tư nhân và định chế tài chính tại các nước đang phát triển, giúp khu vực tư nhân đóng góp vai trò quan trọng trong nỗ lực toàn cầu về xóa bỏ đói nghèo cùng cực và thúc đẩy thịnh vượng chung.
Thanh Đức