Theo công văn này, những năm gần đây, một số chương trình phát sóng của các cơ quan truyền thông Nhà nước và trên nhiều báo giấy cũng như báo điện tử sử dụng sai tên chức danh nghề Y tá thay vì nghề Điều dưỡng theo các quy định hiện hành.
Trước đây, những người làm công việc chăm sóc người bệnh, được đào tạo ở trình độ Trung cấp và thực hiện y lệnh của bác sĩ, được gọi là Y tá. Từ sau năm 1990, Chính phủ đã cho phép đào tạo Y tá ở trình độ đại học, sau đại học nhằm nâng cao năng lực chuyên môn và tính chuyên nghiệp cho Y tá.
Để tên gọi phù hợp với trình độ đào tạo, chức năng nghề nghiệp và phạm vi hoạt động chuyên môn, Văn phòng chính phủ đã có văn bản số 4508/CCHC ngày 10 tháng 9 năm 1997 đổi tên Hội Y tá - Điều dưỡng thành Hội Điều dưỡng Việt Nam; Năm 2005, Quyết định số 41/2005/QĐ-BNV đã ban hành Tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức Điều dưỡng thay thế ngạch Y tá; Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 quy định danh mục người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bao gồm chức danh Điều dưỡng viên. Hiện nay, trong Ngành Y tế Việt Nam không còn nghề Y tá và đã được đổi tên thành nghề Điều dưỡng.
Tuy vậy, trên các kênh truyền thống Nhà nước, báo giấy và báo điện tử chưa cập nhật tên nghề điều dưỡng. Tìm kiếm trên Google cụm từ “Y tá" có khoảng 187.000.000 kết quả hiển thị, trong đó hầu hết các báo có uy tín đều sử dụng thuật ngữ Y tá trong các bài viết.
Việc sử dụng sai tên chức danh nghề điều dưỡng lâu nay đã trở thành mối quan tâm của Hội Điều dưỡng Việt Nam và hàng trăm ngàn Điều dưỡng viên cả nước. Dẫn đến sự mơ hồ của người dân về chức năng và hình ảnh nghề nghiệp cũng như sự đóng góp to lớn của Điều dưỡng viên vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Hội Điều dưỡng Việt Nam tin rằng, Điều dưỡng viên là lực lượng cung cấp dịch vụ y tế nhiều nhất, thường xuyên nhất, trực tiếp nhất và có khả năng tạo nên sự khác biệt về chất lượng dịch vụ của hệ thống y tế Việt Nam.
Xem xét tới sự ảnh hưởng của các kênh truyền thông, báo đài trong việc cung cấp thông tin chính xác về nghề điều dưỡng cho người dân, Hội Điều dưỡng Việt Nam kính đề nghị các cơ quan truyền thông ngừng sử dụng tên gọi "Y tá" và thay bằng tên gọi "Điều dưỡng viên" cho phù hợp với các quy định hiện hành của Nhà nước.
Bằng công văn này, Hội Điều dưỡng Việt Nam mong nhận được phản hồi và sự quan tâm của quý cơ quan, góp phần khẳng định vị thế, uy tín và hình ảnh nghề Điều dưỡng trong Ngành Y tế và trong xã hội.
"Không nên cứng nhắc quá"
Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, ông Cao Hưng Thái- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám- Chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng: Theo quy định chức danh nghề nghiệp trong cơ sở khám bệnh chữa bệnh có bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh... và không dùng từ "Y tá" nữa. Từ ngữ về mặt pháp lý phải gọi là "Điều dưỡng". Hội Điều dưỡng nói là đúng. Tuy nhiên, về vấn đề thói quen của người dân, về văn hóa thì trong nhiều trường hợp họ vẫn sử dụng từ "Y tá", thì cũng không sai. Về vấn đề này cần hiểu theo các cách tiếp cận, trong trường hợp nào thì cần dùng đúng chữ "Điều dưỡng", trường hợp nào thì dùng chữ "Y tá".
"Trong truyền thông cho người dân, dùng chữ "Y tá" cũng không sai, vì tiếng Việt rất phong phú, chữ "Y tá" đã ăn sâu vào trong ngôn ngữ, trong cuộc sống của người dân bao năm nay. Người dân vẫn hiểu y tá chính là điều dưỡng. Ai cũng hiểu đây là một công việc trong ngành y tế. Theo tôi, không nên cứng nhắc quá trong vấn đề này, quan trọng nhất, khi truyền thông là làm sao để người dân hiểu, và tuân thủ hướng dẫn của điều dưỡng viên. Trường hợp nào bắt buộc phải dùng chữ "Điều dưỡng" thì vẫn cần dùng, ví dụ như trong các văn bản giấy tờ..."- ông Thái cho hay.