Ngày 07 tháng 7 năm 2022, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức Hội thảo “Thu hút nguồn vốn đầu tư chất lượng cao thông qua hình thức hợp đồng đối tác công – tư (PPP)”. Hội thảo diễn ra với sự quan tâm tham dự của 150 đại biểu là các doanh nghiệp, cơ quan ban ngành, các cơ quan thông tấn báo chí.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Bà Cao Thị Phi Vân – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh đưa ra một số thông tin về các dự án đã ký kết hợp đồng và đang triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố (số liệu do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (DPI) cung cấp). Cụ thể, thành phố có 22 dự án với tổng mức đầu tư là 64.244 tỷ đồng, trong đó: 11 dự án đã hoàn thành công tác xây dựng hoặc đang trong giai đoạn thực hiện hợp đồng và 11 dự án chưa hoàn thành công tác thi công xây dựng. Về hình thức hợp đồng: có 12 dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BT (chiếm tỷ trọng 54,55%), 07 dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT (chiếm tỷ trọng 31,82%), 02 dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BOO (chiếm tỷ trọng 9,09%) và 01 dự án thực hiện theo hình thức hợp hợp đồng BT kết hợp BOT (chiếm tỷ trọng 4,55%). Bà nhận định, với nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng tăng, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách nhà nước chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư, việc huy động nguồn vốn dồi dào từ khu vực tư nhân là rất cần thiết. Các quy định về đầu tư theo các hình thức hợp đồng BOT, BTO và BT là cơ sở pháp lý đầu tiên về đầu tư PPP trong phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Tiếp nối, Ông Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đưa ra nhận định, để phát huy những lợi thế mà PPP mang lại, việc cải thiện môi trường đầu tư, khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách là điều hết sức cần thiết và cấp bách. Mặc dù đã xây dựng được một khung khổ pháp lý tương đối phục vụ cho việc triển khai các dự án PPP nhưng qua thời gian vận hành, thực tế cho thấy, nhiều điểm, quy định đã bộc lộ những hạn chế khiến doanh nghiệp cảm thấy không phù hợp. Chính vì lý do đó, việc điều chỉnh, hoàn thiện khuôn khổ cơ sở pháp lý, rà soát lại khó khăn là rất quan trọng để có thể kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, tồn đọng cho doanh nghiệp, thu hút mạnh mẽ hơn nguồn vốn từ các nhà đầu tư chất lượng. Bên cạnh đó, để bảo vệ cho các bên trong quá trình thực hiện dự án PPP, việc tạo lập cơ chế kiểm soát, chia sẻ rủi ro, xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp, cũng cần được chú trọng. Thời gian qua, theo đánh giá từ Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, các tranh chấp liên quan đến dự án PPP đang ngày càng tăng, tính chất cũng dần phức tạp hơn, dẫn đến nhiều thiệt hại về cả vật chất và uy tín của các bên. Để thực hiện một dự án PPP hiệu quả, bên cạnh các yếu tố về tính chất dự án, tài chính, nguồn lực, theo tôi, nhà đầu tư cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng về những rủi ro có thể phát sinh để có phương án kiểm soát hiệu quả, hạn chế tối đa các tranh chấp không đáng có.
Mở đầu Hội thảo, Ông Trương Trọng Nghĩa – Đại biểu Quốc hội, Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH YKVN, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã có phần tham luận và đánh giá tổng quan về bức tranh thu hút nguồn vốn đầu tư trong các dự án triển khai theo hình thức hợp đồng đối tác công – tư (PPP). Ông nhận định, Việt Nam hiện đang còn khó khăn trong việc huy động vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng, ngân sách nhà nước phải dành 5,7% GDP để đầu tư cơ sở hạ tầng. Chính vì vậy, Việt Nam cần có những giải pháp thu hút đầu tư tư nhân nhằm giúp thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng với các quốc gia khác. Cụ thể, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 01/11/2021 ban hành Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025. Theo đó, có 157 dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 thuộc các lĩnh vực: Hạ tầng giao thông; hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế; hạ tầng năng lượng; hạ tầng công nghệ thông tin; hệ thống xử lý rác, nước thải; hạ tầng giáo dục và y tế; hạ tầng văn hóa, thể thảo, du lịch; ngành nông, lâm, thủy sản; lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Đặc biệt, trong 24 dự án hạ tầng giao thông, có tới 23 dự án kêu gọi đầu tư PPP. Ông đưa ra một số thực tiễn các dự án đang được vận hành dưới hình thức hợp đồng PPP tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đường sắt Việt Nam, đường sắt miền Tây Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – đường Vành đại 3. Đặc biệt, 4 dự án Metro tại thành phố Hồ Chí Minh được được kêu gọi đầu tư với tổng vốn đầu tư là 9,7 tỷ USD. Về phương thức hợp tác đầu tư xây dựng 4 tuyến metro này, TP. Hồ Chí Minh mong muốn được hợp tác với các tổ chức chính phủ có nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), các tập đoàn lớn, nhà đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông có năng lực tài chính và công nghệ. Bên cạnh đó, ông cũng đưa ra một số đánh giá về mặt hạn chế của Luật Đầu tư PPP 2020 và Nghị định hướng dẫn. Mặc dù đã có luật mới nhưng vấn gặp vướng mắc trong việc tiếp tục triển khai dự án BT do chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể; hay chưa có quy định, trình tự, thẩm quyền đối với các dự án PPP chấm dứt hợp đồng trước thời hạn,…
Tiếp nối phần trình bày của Ông Trương Trọng Nghĩa, Bà Vũ Quỳnh Lê – Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Đấu thầu – Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những chia sẻ, phân tích sâu hơn về thực tiễn thực hiện Luật PPP và đặt ra một số vấn đề đối với nhà đầu tư. Tại bài trình bày, bà Quỳnh Lê khái quát về khung pháp lý về PPP tại Việt Nam cũng như các văn bản điều chỉnh, hướng dẫn thực hiện luật này. Có thể thấy, hệ thống văn bản pháp luật được ban hành đã phần nào điều chỉnh hiệu quả các lĩnh vực đầu tư và quy mô của các dự án PPP. Nhằm định hướng việc thực hiện hợp đồng một cách chặt chẽ, phụ lục Nghị định 35/2021/NĐ-CP đã ban hành hợp đồng mẫu dự án PPP, các Bộ, ngành cũng đã ban hành hướng dẫn về hợp đồng trong các lĩnh vực của mình phụ trách. Đặc biệt, không áp dụng loại hợp đồng thông qua cơ chế thu phí trực tiếp từ người sử dụng, cụ thể là đối với dự án Cải tạo, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có. Ngoài ra, bà Quỳnh Lê cũng đặt ra một số vấn đề đối với nhà đầu tư trong việc thực hiện các dự án PPP. Thứ nhất, nhà đầu tư cần quan tâm đến những mối quan hệ với các bên liên quan trong dự án PPP, có thể kể đến như khu vực nhà nước (gồm cơ quan trực tiếp ký kết và quản lý hợp đồng; cơ quan liên ngành tham gia chuẩn bị dự án, đàm phán, ký kết và quản lý hợp đồng); đối tượng bị tác động bởi dự án; bên cho vay. Thứ hai, nhà đầu tư phải có trách nhiệm đối với công trình có mục đích công. Cụ thể, mục đích của hợp đồng PPP là quá trình đầu tư và duy trì việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ổn định, bền vững nên nhà đầu tư cần có trách nhiệm trong quá trình vận hành, kinh doanh công trình nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ công. Hơn nữa, hợp đồng PPP là loại hợp đồng đặc biệt giữa 1 bên là nhà nước và 1 bên là nhà đầu tư, chính vì vậy sẽ có nhiều trách nhiệm ràng buộc hơn so với hợp đồng thông thường, dó có 1 bên là chủ thể nhà nước. Thứ ba, bà nhận định nhà đầu tư cần có đầy đủ năng lực và kinh nghiệm để đáp ứng yêu cầu triển khai dự án (thường là công trình quy mô lớn, nhằm mục đích công). Kinh nghiệm thể hiện bằng các hợp đồng đã triển khai. Năng lực tài chính thể hiện qua vốn chủ sở hữu, vốn vay và năng lực kỹ thuật thể hiện qua phương án triển khai xây dựng, vận hành, kinh doanh trong hồ sơ dự thầu.
Tiếp nối phần trình bày của đại diện từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ông Leif Schneider – Phó Chủ tịch Tiểu ban Pháp luật Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) đã có phần chia sẻ từ góc độ của nhà đầu tư nước ngoài. Từ góc độ so sánh giữa các dự án PPP ở các quốc gia EU và tại Việt Nam, trong đó nổi bật là mô hình PPP tại Đức, ông Schneider nhận định Việt Nam đã giải quyết được một số vấn đề tại Luật PPP giúp giảm thiểu được nhiều rủi ro, chi phí cho nhà đầu tư nước ngoài. Trước đây, với Nghị định 63/2018/NĐ-CP, nhà đầu tư gặp khá nhiều cản trở nhất là trong việc chia sẻ rủi ro khi triển khai thực hiện hợp đồng, điều này làm giảm đáng kể sức hút của các dự án PPP tại Việt Nam. Luật PPP đã phần nào khắc phục và cải thiện được những hạn chế trước đây, tuy vậy, dự án PPP tại Việt Nam vẫn cần có thêm thời gian để thực hiện các phép thử nhằm đánh giá xem khung pháp lý mới mà luật PPP đặt ra có thực sự hiệu quả hay không. Để thu hút hơn các nguồn vốn đầu tư vào dự án PPP tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, theo đại diện từ Eurocham, các cơ quan có thẩm quyền cần phải có sự đồng hành, hỗ trợ tích cực cho các nhà đầu tư. Theo đó, ông Schneider kiến nghị cần phải có sự linh hoạt hơn trong các điều khoản, nội dung và điều kiện của hợp đồng PPP; vấn đề quản lý, giám sát dự án cũng cần được đầu tư hơn về mặt nguồn lực để đảm bảo tính hiệu quả, liên tục. Khung pháp lý về PPP tại Việt Nam đang không có sự chắc chắn, điều nay sẽ gây nên cản trở lớn cho việc đầu tư, tham gia vào các dự án PPP, do đó, các cơ quan có thẩm quyền cũng cần cân nhắc về việc tạo nên một khung pháp luật đủ ổn định để củng cố hơn lòng tin cho nhà đầu tư trong thời gian tới.
Sau phần trao đổi về tình hình thị trường và thực tiễn của doanh nghiệp, TS. Lê Nết – Luật sư thành viên, Công ty Luật LNT&Partners, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), đã có phần trình bày liên quan đến những vấn đề phát sinh khi thực hiện hợp đồng đối tác công – tư (PPP) và khuyến nghị trong giải quyết tranh chấp. Dưới góc độ một Luật sư nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, ông Lê Nết nhận định, nhằm tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện dự án PPP, nhà đầu tư cần hiểu các điểm cơ quan nhà nước quan tâm và ngược lại, về phía cơ quan nhà nước cũng cần tạo điều kiện hỗ trợ nhà đầu tư. Về mặt pháp lý, nên có những quy định rõ ràng, an toàn, thủ tục nhanh gọn; về mặt tài chính, chi phí đền bù giải tỏa thỏa đáng, chia sẻ rủi ro và các chi phí khác với nhà đầu tư; đặc biệt, có những cơ chế chính sách, ưu đãi đối với nhà đầu tư như cam kết không cạnh tranh, tiền thuê đất, thuế,… Ngoài ra, TS. Lê Nết cho rằng, nhà đầu tư hiện nay còn băn khoăn về “KPI” của nhà nước đối với một dự án PPP thành công là như thế nào? Về lợi ích trước mắt thì thời gian chuyển giao cho Nhà nước là bao lâu, chi phí Nhà nước bỏ ra có thù hồi có phải vấn đề được cân đo? Hay về lợi ích lâu dài thì vai trò, ví trí của dự án trong tổng thể phát triển kinh tế quốc phòng xã hội của vùng, ngành xác định như thế nào? Những vấn đề này cần được làm rõ nhằm giúp nhà đầu tư có kế hoạch và thực hiện theo đúng định hướng ban đầu, từ đó đem lại hiệu quả tối ưu cho dự án PPP. Bên cạnh đó, ông cũng sơ lược về quy trình thực hiện dự án PPP, quan hệ giữa cơ quan nhà nước và chủ đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực giao thông vận tải với số lượng dự án chiếm hơn 50%. Ở góc độ pháp lý, Tiến sĩ đưa ra các sự kiện cũng như điều khoản quan trọng cần đưa vào hợp đồng PPP nhằm tối ưu hiệu quả như sự kiện thay đổi (variation), bất khả kháng (FM), Hardship, Luật thay đổi, Luật áp dụng và đặc biệt là giải quyết tranh chấp.
Sau phần trình bày của các diễn giả là phần thảo luận, giải đáp thắc mắc với sự điều phối của Ông Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Phần thảo luận diễn ra sôi nổi với sự tham gia tích cực và nhiều đóng góp từ phía doanh nghiệp tham dự.
Thanh Xuân