Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt T.Ư Đảng ký ban hành các nghị quyết được thông qua tại Hội nghị T.Ư 6 khóa XIII (tháng 10.2022).
Giảm số lượng bộ, cơ quan ngang bộ
Tại Nghị quyết 27 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa VN trong giai đoạn mới, được ký ban hành ngày 9.11, T.Ư yêu cầu tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương; xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.
Hội nghị T.Ư 6 khóa XIII thông qua nhiều nghị quyết quan trọng NHẬT BẮC |
Cụ thể, T.Ư yêu cầu tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tổ chức các bộ, các cơ quan chuyên môn đa ngành, đa lĩnh vực; giảm hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Từng bước xóa bỏ cơ chế phối hợp liên ngành, gắn với việc xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu.
Cùng với đó, T.Ư cũng yêu cầu giảm cấp chính quyền phù hợp ở một số địa phương; xây dựng mô hình quản trị chính quyền địa phương phù hợp với từng địa bàn. Tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; nghiên cứu thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể các đơn vị hành chính của quốc gia và từng địa phương.
Nghị quyết của T.Ư cũng yêu cầu tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội (QH). Trong đó, T.Ư nhấn mạnh việc tăng hợp lý số lượng đại biểu QH chuyên trách, giảm số lượng đại biểu công tác ở các cơ quan hành pháp, tư pháp. Tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của QH theo hướng nghiên cứu tăng hợp lý số kỳ họp của QH.
Đối với hoạt động tư pháp, T.Ư đặt ra yêu cầu hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý mọi hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động tư pháp; bảo đảm tính độc lập của tòa án.
T.Ư cũng nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cùng với đó, hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để không dám tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để không cần, không muốn tham nhũng, tiêu cực.
Đến năm 2030 GDP bình quân đạt 7.500 USD
Tại Nghị quyết 29 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, T.Ư đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD; GNI bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt trên 7.000 USD.
T.Ư cũng đặt mục tiêu đến 2030 hình thành được một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Xây dựng được ngành công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại.
Tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GDP. Hoàn thành xây dựng chính phủ số, thuộc nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số. Về tầm nhìn đến năm 2045, T.Ư Đảng nêu rõ mục tiêu VN trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á.
Để thực hiện mục tiêu nói trên, T.Ư Đảng đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó nhấn mạnh việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nghị quyết T.Ư nhấn mạnh việc chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn: công nghiệp sản xuất robot, ô tô, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa; công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp; công nghiệp sinh học (tập trung vào gien, dược phẩm và các chế phẩm sinh học); công nghiệp dệt may, da giày ở các khâu tạo giá trị gia tăng cao dựa trên quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa; công nghiệp văn hóa...
T.Ư Đảng yêu cầu đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng KH-CN, đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, đẩy nhanh thể chế hóa và cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo…
Thanh niên/ Lê Hiệp