Thước đo đánh giá sự phổ biến đang được dùng để định nghĩa truyền thông xã hội có lẽ sắp đến lúc ra đi.
Facebook và YouTube đều đang rời xa dần thước đo độ phổ biến mà họ từng phát minh ra.
Theo đó, Facebook hiện đang thử nghiệm tính năng ẩn số lượt "like", vốn xuất hiện bên dưới ảnh và bài viết của người dùng trên mạng xã hội này.
Kỹ sư Jane Manchun Wong mới đây đã phát hiện ra điều này khi đang mò mẫm mã nguồn của Facebook. Thay vì hiển thị chính xác số lượt like trên bài viết của ai đó, người dùng sẽ chỉ thấy một người bạn của họ "và những người khác" đã thích nó. Người đăng bài vẫn có thể xem được những người đã nhấn nút like là ai.
Một người phát ngôn của Facebook cho biết quả thật công ty đang cân nhắc thử nghiệm loại bỏ hiển thị số lượt like, nhưng tính năng này vẫn chưa được tung ra cho bất kỳ ai dùng thử cả.
Facebook không nêu rõ lý do vì sao họ làm điều này, nhưng trước đó họ đã bắt đầu thực hiện động thái tương tự trên Instagram.
Trong trường hợp của Instagram, lý lẽ của công ty này là hiển thị số lượt like có thể sẽ góp phần tạo nên hiện tượng tôn thờ một ai đó trên mạng xã hội, và có khả năng khiến người dùng cảm thấy không vui.
Những thay đổi này xuất hiện sau những cuộc thảo luận dài hơn trong ngành công nghiệp công nghệ về cách mà mạng xã hội và các ứng dụng tác động lên cảm xúc của người dùng.
Nhiều cựu nhân viên chủ chốt của Facebook lẫn Google từng bày tỏ sự hối tiếc về những sản phẩm họ góp phần tạo ra. Leah Perlman, người phụ nữ từng giúp thiết kế nút like của Facebook, nói rằng cô để ý thấy những thông báo liên tục trên mạng xã hội khiến bản thân thấy chán nản. "Bạn đã xem cái tập phim Black Mirror đó chưa? Tôi vừa xem khoảng một tháng trước, và nó ám tôi mỗi ngày. Bởi tương lai đó không còn xa" - cô nói.
Và Tristan Harris, cựu thiết kế tại Google, đã khởi động cả một phong trào về hội chứng nghiện cuộc sống số thông qua phong trào Time Well Spent của mình.
Nhưng giới chỉ trích muốn thấy những thay đổi thiết kế kia được thử nghiệm minh bạch hơn.
Andrew Przybylski, một nhà tâm lý học thực nghiệm tại Viện Internet Oxford, nói rằng dù ý tưởng ẩn lượt like là khá thú vị, nhưng vì chúng có thể tạo ra những thay đổi trong sức khỏe tâm thần, chúng không nên được thử nghiệm một cách riêng tư.
"Đó là một ý tưởng rất thú vị nhưng là loại ý tưởng nằm đâu đó trong một vùng xám giữa 'sản phẩm' và 'can thiệp sức khỏe'. Những loại nghiên cứu như vậy không nên được tiến hành đằng sau những cánh cửa đóng bởi tác động đối với xã hội và sức khỏe của từng người dùng có thể rất lớn" - anh nói.
Anh nhấn mạnh thêm rằng điều đó không có nghĩa chỉ cần đưa ra kết quả là đủ. "Tôi muốn biết kế hoạch trước khi thử nghiệm, bao gồm phương thức, mục tiêu, và tiêu chí thành công. Nếu một công ty thuốc lớn nói họ sắp thay đổi nhãn dán (hay thành phần) của một loại thuốc giảm đau nhưng không thông qua một quá trình thử nghiệm lâm sàng minh bạch, công chúng sẽ có quyền nghi ngờ bất kỳ khẳng định nào. Đừng quên rằng ngay cả những thay đổi nhỏ đối với một nền tảng được sử dụng rộng rãi cũng có thể mang lại tác động lớn. Xét như vậy, các công ty như Facebook, Google, và các công ty game nên mời các nhà quan sát độc lập để kiểm nghiệm những sự can thiệp như thế này"
YouTube cũng đang giảm bớt một trong những thước đo độ phổ biến của họ trong tháng này.
Hồi tháng 5, công ty đã công boos sẽ tung ra tình năng "làm gọn số lượt subscribe công khai". Có nghĩa là những kênh với số lượng subscribe lớn sẽ không hiển thị chính xác con số đó.
Lý lẽ của YouTube cũng xoay quanh việc giảm cạnh tranh giữa người dùng, đặc biệt là các nhà sáng tạo nội dung.
Nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng nhất của nền tảng này, PewDiePie, mới đây đã là trung tâm của cuộc chiến thu hút lượt subs kéo dài nhiều tháng trời với kênh Ấn Độ là T-Series. Cả hai đều cạnh tranh gay gắt về số lượt like nhờ một chiến dịch lâu dài của các fan PewDiePie, nhưng cuối cùng kênh Ấn Độ lại chiến thắng và trở thành kênh YouTube lớn nhất, với 111 triệu subscriber.
Tuy nhiên, trong suốt cuộc chiến, một loạt các kênh YouTube và các website cũng có bộ đếm số lượt subs của riêng họ để xem từng kênh đã đạt được bao nhiêu subscriber. Những bộ đếm đó sẽ không còn nữa sau thay đổi này.
"Ngoài việc tạo ra tính nhất quán cao hơn, thay đổi này giải quyết những mối quan ngại của các nhà sáng tạo về stress và sức khỏe tâm thần, đặc biệt xoay quanh việc theo dõi số lượt subs công khai theo thời gian thực. Chúng tôi hi vọng điều này sẽ giúp mọi nhà sáng tạo tập trung vào việc kể câu chuyện của họ, và gặp ít áp lực hơn với những con số" - YouTube nói.
Tham khảo: BusinessInsider
Trí thức trẻ/ P.V