Tại hội thảo Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu cho doanh nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đã nhấn mạnh sự quan trọng của việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu cho doanh nghiệp Việt Nam.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu cho doanh nghiệp Việt Nam rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập khi Việt Nam tham gia ngày càng sâu và rộng trong nền kinh tế toàn cầu thông qua các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết song phương và đa phương.
Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế đang phát triển tiếp cận luật chơi thương mại tự do tiêu chuẩn cao nhất toàn cầu. Bao trùm hầu hết các FTA thế hệ mới, Việt Nam tham gia đều cam kết về bảo hộ quyền SHTT. Đến nay, Việt Nam đã là thành viên của các hiệp ước quốc tế liên quan đến SHTT như Hiệp ước Pari, công ước Bern, công ước Rome, Công ước Stockhom… và đang thực hiện các bước để gia nhập Công ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp.
Tuy nhiên do không thực hiện bảo hộ sở hữu trí tuệ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã phải trả giá rất đắt vì mất thương hiệu, nhãn hiệu vào tay thương gia nước ngoài.
Thực tế đã cho thấy, nhiều nhãn hiệu hàng hóa Việt Nam nổi tiếng đã bị các thương gia nước ngoài đánh cắp và tiến hành đăng ký bảo hộ ở nước ngoài để sử dụng cho hàng hóa của họ lưu thông trên thương trường quốc tế, có thể kể đến như: Kẹo dừa Bến Tre; Cà phê Trung Nguyên; Cà phê Buôn Ma Thuột; Nước mắm Phú Quốc; Sản phẩm Vifon… Khi các doanh nghiệp Việt Nam tiến hành các biện pháp đòi lại gặp rất nhiều gian nan, thậm chí trong nhiều trường hợp không thể đòi lại được. Việc này gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp trong nước cũng như nền kinh tế.
Trong khi đó, mối quan tâm của các doanh nghiệp Việt đối với yêu cầu bảo hộ kiểu dáng, nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm lại rất hạn chế.
Cùng với việc đẩy mạnh xuất khẩu, vấn đề bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu cần phải được quan tâm nhiều hơn. Trong điều kiện thế giới đang có nhiều biến động, sự đa dạng hóa thị trường ở đâu thì ở đó đều cần có bảo hộ sở hữu công nghiệp. Việc tăng cường sở hữu công nghiệp với hàng hóa Việt Nam là một trong những yêu cầu quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt trong bối cảnh mới.
Việc tiếp thị hàng hóa, kinh doanh hàng hóa gắn liền với bảo hộ sở hữu công nghiệp. Tiếp thị sản phẩm thành công chính là tiếp thị nhãn hiệu thành công và sẽ giúp tạo thêm giá trị gia tăng lớn cho sản phẩm. Bảo hộ nhãn hiệu còn là phương thức tốt nhất để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tránh dùng phải hàng nhái, hàng giả.
"Vì lẽ đó, doanh nghiệp "đừng vô tình" với tài sản vô hình của mình, vì nó quyết định sự sống còn của doanh nghiệp, tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp.", ông Lộc nhấn mạnh.
Cũng chia sẻ vấn đề này, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cho biết, hiện có một số hệ thống đăng ký quốc tế về bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu đã được thiết lập, tạo thuận lợi cho việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là dấu hiệu cho thấy sự thành công của doanh nghiệp trong bối cảnh yêu cầu về quyền sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng.
“Việt Nam chú trọng nhiều tới vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ nên việc đào tạo nâng cao năng lực trong lĩnh vực này cũng hết sức quan trọng. Các doanh nghiệp cần nhận thức đúng, đầy đủ về bảo vệ và phát triển kiểu dáng công nghiệp sản phẩm hàng hóa của mình”, ông Lâm nhấn mạnh.
Sở hữu trí tuệ/ Hương Mi