Mới đây, tại phiên giải trình do Uỷ ban Tư pháp tổ chức về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt. Bộ trưởng bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết, cuối năm 2018, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 138 về trách nhiệm của các cơ sở đào tạo lái xe. Theo đó, nội dung giảng dạy phải thay đổi theo hướng tăng cường tình huống tập lái xe trong sa hình.
"Chúng tôi cũng đề xuất phương án, tất cả những người mất bằng lái xe phải thi lại để tránh tình trạng lợi dụng việc này xin thêm bằng thứ 2, thậm chí bằng thứ 3", ông Thể phát biểu.
Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tại phiên giải trình. |
Sau khi đề xuất của Bộ trưởng bộ GTVT được đăng tải, ngay lập tức đã có rất nhiều ý kiến phản bác và cho rằng, phải chăng đề xuất người mất bằng phải thi lại là đẩy cái khó trong việc quản lý, xử lý tình trạng mất an toàn giao thông lên đầu người dân, trong khi đó là nhiệm vụ của các ban, ngành chức năng.
Không nên đẩy cái khó cho dân
Sáng 7/3, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, chuyên gia giao thông - Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra, xử lý tai nạn giao thông (cục Cảnh sát giao thông, bộ Công an) đã đặt ra câu hỏi về phát biểu của Bộ trưởng: “Khi Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu, nêu ra đề xuất tất cả những người mất bằng lái xe phải thi lại, phải chăng, Bộ chủ quản đang đẩy cái khó cho người dân?”.
Đại tá Trần Sơn |
Giải thích về cách đặt câu hỏi của mình, Đại tá Sơn cho biết: "Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 12/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 – 2021. Theo đó, việc siết chặt kỷ cương công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là một nhiệm vụ quan trọng.
Thực tế đã chứng minh, thời gian gần đây, hầu hết các vụ tai nạn giao thông xảy ra do lái xe chưa hiểu biết quy tắc giao thông, biển báo hiệu giao thông, kỹ năng xử lý khi gặp các tình huống trên đường còn kém.
“Để giải quyết triệt để về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt thì việc làm cấp thiết, quan trọng nhất là bộ GTVT cần phải thắt chặt lại khâu đào tạo, sát hạch, cấp và quản lý giấy phép lái xe".
"Những người được cấp giấy phép lái xe là khi họ đã đạt được những điều kiện cho phép nhất định, đã trải qua những kì thi lý thuyết và sát hạch trên thực tiễn. Vậy cớ sao cơ quan chức năng lại gây khó dễ cho người dân trong việc cấp lại giấy phép lái xe khi người dân chẳng may mất đi tấm bằng đó?”, Đại tá Trần Sơn nhấn mạnh.
Không có căn cứ phù hợp với thực tế
Xét về tính pháp lý, trao đổi với PV, luật sư Lê Văn Thiệp (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, việc đề xuất mất bằng lái phải thi lại không có căn cứ để thực thi vào thực tiễn.
“Về mặt nguyên tắc, giấy phép lái xe đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp giấy phép, tức là đã công nhận người đó đã đạt những yêu cầu đặt ra như: Yêu cầu về sức khỏe, quá trình học luật, học về đạo đức người lái xe, thực hành đến kỹ năng điều khiển xe trên đường và cuối cùng là kỳ thi sát hạch để được cấp giấy phép lái xe. Khi đã được cấp giấy phép lái xe một lần, có nghĩa là họ đã đủ điều kiện, đủ khả năng và năng lực để tham gia vào quan hệ pháp luật”, luật sư Thiệp cho hay.
Đã được cấp giấy phép 1 lần thì khi người tham gia giao thông bị mất mà không phải bị các cơ quan khác thu giữ, không bị một chế tài hành chính nào khác làm mất giá trị của giấy tờ này thì sẽ được xin cấp lại chứ không phải là đi học lại hay thi lại.
Trừ khi trong trường hợp có bản án hay quyết định có hiệu lực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mà chứng minh được họ không có đủ năng lực để điều khiển phương tiện giao thông và đồng thời họ bị yêu cầu phải học lại thì lúc đấy mới yêu cầu người tham gia giao thông học lại để được cấp lại giấy phép lái xe.
Theo doisongphapluat