Phương án mới về kế hoạch phân vùng kinh tế giai đoạn 2021-2030 được các chuyên gia thảo luận có nhiều đề xuất thú vị.
Sáng nay 4-6, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị tham vấn ý kiến chuyên gia về phân vùng giai đoạn 2021-2030 để triển khai Luật quy hoạch.
Sẽ "luân chuyển" một số tỉnh
Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, quy hoạch vùng của nước ta hiện còn mờ nhạt, hiệu quả kết nối chưa cao và không còn phù hợp với tình hình phát triển mới, cần thiết phải điều chỉnh lại.
Ví dụ các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên hiện phát triển công nghiệp, đô thị hóa khá nhanh, vẫn để ở vùng miền núi có còn hợp lý? Vùng duyên hải miền Trung quá dài, điều kiện địa lý, văn hóa, kinh tế không tương đồng, có nên chia làm 2 vùng là duyên hải Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ?
"Quy hoạch vùng phải làm nổi bật những đặc trưng, tạo ra không gian kết nối, hỗ trợ và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tinh thần, bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững", phó thủ tướng nhấn mạnh.
Trình bày các phương án phân vùng mới, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương cho biết sau quá trình phân tích, thảo luận, dự kiến nhiều phương án, cơ quan tham mưu trình 2 phương án chính thức.
Trong đó phương án được lựa chọn nhiều nhất là phân cả nước làm 7 vùng, trên cơ sở phân vùng giai đoạn 2011-2020 hiện nay (6 vùng) và tách vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thành vùng Bắc Trung Bộ và vùng Nam Trung Bộ.
Cụ thể: vùng miền núi phía Bắc (10 tỉnh); vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ (15 tỉnh, mở rộng thêm 4 tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang); vùng Bắc Trung Bộ (6 tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế); vùng Nam Trung Bộ (8 tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận); vùng Tây Nguyên (5 tỉnh); vùng Đông Nam Bộ (6 tỉnh) và vùng đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh).
Giải thích lý do thêm 4 tỉnh vào vùng đồng bằng sông Hồng để hình thành vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ, Thứ trưởng Trần Quốc Phương chỉ ra 4 tỉnh trên có sự khác biệt lớn với các tỉnh miền núi phía Bắc, có địa hình núi, đồi và có đồng bằng, độ cao phần lớn ở mức 200m, thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế; có sự gắn kết hữu cơ, hai chiều với thủ đô Hà Nội và các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng, giao thông thuận lợi.
"Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung hiện quá dài, đến hơn 1.300km, do đó các hoạt động giao lưu, kết nối hạn chế. Vùng này trải qua nhiều vùng văn hóa, lịch sử và con người rất khác nhau (như Thanh Hóa, Nghệ An và Bình Định, Phú Yên...), có sự khác biệt đặc trưng về khí hậu, thời tiết giữa hai phần Nam và Bắc đèo Hải Vân, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế xã hội", Thứ trưởng Phương lý giải đề nghị chia đôi thành 2 vùng ở miền Trung.
Phân vùng rồi ai chỉ huy vùng?
"Phân vùng để làm gì?", GS.TS Nguyễn Quang Thái - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam - đặt vấn đề trong thảo luận. Theo ông, nếu lập quy hoạch chỉ để cho đẹp rồi để đó thì không có ý nghĩa.
"Nếu phân vùng chỉ là cộng lại các tỉnh, thành rồi mỗi năm gặp nhau một lần mà không quyết định được gì thì khó có hiệu quả. Vùng phải có cơ chế, thể chế điều hành vùng. Có hội đồng vùng không, thể chế nào buộc họ hợp tác, HĐND các tỉnh họ quyết định gì?", ông Thái nêu vấn đề.
GS Thái cho rằng lâu nay làm quy hoạch để kết nối nhưng lại không có nguồn lực để nối kết thì khó hiệu quả. Quyền lực hành chính thuộc về các tỉnh, thành phố. "Chúng ta chỉ có đại hội Đảng bộ tỉnh, thành chứ đâu có đại hội Đảng bộ vùng, ai chỉ huy vùng?", ông nêu ví dụ.
Đối với vùng kinh tế Đông Nam Bộ, GS Nguyễn Quang Thái đề nghị nên có cả Long An, Tiền Giang, trong khi TP.HCM là trung tâm kết nối vùng.
PGS.TS Trần Trọng Hanh - nguyên hiệu trưởng Đại học kiến trúc Hà Nội - đồng quan điểm: Ta đang thiếu 3 thiết chế lớn, đó là cơ quan quản lý và điều hành vùng, chính sách tài khóa cho vùng và cơ chế ràng buộc liên kết vùng.
Ông Hanh đề nghị trong các yếu tố để xét phân vùng kinh tế, cần lưu ý đến phong thổ. Đặc biệt, nên lấy các lưu vực sông làm yếu tố kết nối, không nên chia cắt các địa phương gắn kết cùng một lưu vực sông bởi sẽ làm hỏng tính phong thủy của đất nước và mất tính kết nối.
Như ở miền Bắc là các hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình; Đông Nam Bộ là các hệ thống sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ; Tây Nam Bộ là hệ thống sông Cửu Long…
"Giờ nếu cắt Thừa Thiên Huế để ghép vào vùng duyên hải Nam Trung Bộ thì không đúng, rất nguy hiểm, kiểu 'ép duyên'. Việc cắt Lâm Đồng - vùng đất Tây Nguyên thấp - về vùng Đông Nam Bộ cũng cần phải lưu ý", ông Hanh phân tích về một số điểm trong phương án được đề xuất.
Ông Trần Trọng Hanh cũng cho rằng "Long An không liên quan nhiều đến lưu vực sông Cửu Long mà liên quan đến hệ thống sông Vàm Cỏ, do vậy về phong thổ học nên gắn bó với miền Đông Nam Bộ".
"Tôi lại đồng ý 'kéo' Long An vào vùng Đông Nam Bộ. Ngay cả khi không nhìn ở góc độ phong thủy thì cũng thấy rõ rằng về mặt kết nối hạ tầng, kinh tế xã hội thì Long An gắn kết với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ hơn", TS Đào Ngọc Nghiêm - phó chủ tịch Hội Quy hoạch Hà Nội - phản biện.