Thêm nhiều gia đình có thu nhập trung bình và thấp ở Việt Nam sẽ có thể sở hữu nhà, nhờ khoản đầu tư 100 triệu USD của IFC vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeABank) nhằm tăng cường khả năng tiếp cận đến các khoản vay mua nhà.
Với khoản đầu tư này, SeABank dự kiến sẽ tăng ít nhất gấp đôi số lượng các khoản vay mua nhà trung cấp và bình dân vào năm 2026. Ngoài ra, dự án dự kiến sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm mới trong ngành xây dựng và các lĩnh vực liên quan khác.
Với tốc độ đô thị hóa hàng năm nhanh lên đến 3%, một nửa dân số Việt Nam—khoảng 50 triệu người—dự kiến sẽ sống ở các khu vực đô thị vào năm 2040. Điều này tạo ra nhu cầu khoảng 374.000 đơn vị nhà ở mới mỗi năm. Tuy nhiên, nguồn vốn dài hạn hạn chế đã khiến các ngân hàng trong nước gặp khó khăn trong việc phát triển danh mục cho vay dài hạn, bao gồm cả các khoản cho vay mua nhà ở. Do đó, việc tiếp cận vốn vay mua nhà trở nên đặc biệt khó khăn đối với những gia đình có thu nhập trung bình và thấp, vốn là nhóm cần tìm kiếm nguồn tài chính dài hạn hơn do mức thu nhập hàng tháng thấp.
“SeABank rất vinh dự một lần nữa nhận được sự tin tưởng của IFC với khoản đầu tư mới trị giá 100 triệu USD nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay mua nhà, qua đó nâng tổng đầu tư của IFC vào SeABank lên tới gần 400 triệu USD,” bà Lê Thu Thủy, Phó Chủ tịch HĐQT SeABank cho biết. “Nhu cầu về nhà ở của các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình ở Việt Nam hiện đang rất cao, tuy nhiên cơ hội tiếp cận với các sản phẩm tài chính của họ lại rất hạn chế. Khoản tài trợ của IFC sẽ cung cấp cho SeABank nguồn vốn dài hạn ổn định và giúp chúng tôi củng cố danh mục cho vay liên quan đến nhà ở vừa túi tiền, từ đó thúc đẩy khả năng tiếp cận vốn vay mua nhà, mở rộng thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam. Đồng thời, điều này góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh của SeABank với các ngân hàng trong nước”.
IFC cũng sẽ tư vấn cho SeABank phát triển các sản phẩm tài chính chuyên về nhà ở nhằm phục vụ tốt hơn người dân có thu nhập trung bình và thấp—ưu tiên hàng đầu của chính phủ Việt Nam. Kể từ năm 2021, IFC đã tư vấn cho ngân hàng trong các lĩnh vực tài chính khí hậu, chương trình Ngân hàng dành cho phụ nữ, và Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG).
“Nguồn cung nhà ở hạn chế trong khi nhu cầu không ngừng gia tăng đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nhà ở cho những người có thu nhập trung bình và thấp ở các đô thị của Việt Nam, khiến nhiều người không thể tiếp cận được nguồn vốn vay họ cần để mua nhà,” ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Campuchia và CHDCND Lào cho biết. “Thông qua việc hỗ trợ một ngân hàng thương mại tư nhân hàng đầu, IFC sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu các giải pháp tài chính phát triển nhà ở vừa túi tiền và gửi tín hiệu tích cực đến thị trường về tiềm năng của phân khúc chưa được khai thác đầy đủ này. Chúng tôi tin rằng điều này sẽ mang lại tác động tích cực đối với các ngân hàng khác, thúc đẩy lĩnh vực này phát triển cạnh tranh hơn để có thể đáp ứng nhu cầu nhà ở ngày càng tăng ở Việt Nam, hỗ trợ phát triển kinh tế và mang lại lợi ích cho người dân.”
IFC đặt mục tiêu tăng cường nguồn vốn dài hạn sẵn có để thúc đẩy cho vay mua nhà tại các thị trường mới nổi, cho phép tiếp cận nhà ở chất lượng tốt hơn, thúc đẩy phát triển toàn diện và tạo việc làm. Tại Việt Nam, IFC đã hợp tác với cả các doanh nghiệp phát triển nhà ở và các ngân hàng để gia tăng nguồn cung nhà ở vừa túi tiền lẫn nguồn tài chính cho vay mua nhà để các hộ gia đình có thu nhập trung bình và thấp có thể tiếp cận.
Về IFC
IFC - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới - là định chế phát triển toàn cầu lớn nhất, tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân tại các thị trường mới nổi. Chúng tôi hoạt động tại hơn 100 quốc gia, sử dụng nguồn vốn, chuyên môn và ảnh hưởng của mình để kiến tạo các thị trường và cơ hội tại các quốc gia đang phát triển. Trong năm tài khóa 2022, chúng tôi đã cam kết đầu tư kỷ lục $32,8 tỷ USD vào các doanh nghiệp tư nhân và định chế tài chính tại các quốc gia đang phát triển, tận dụng sức mạnh của khu vực tư nhân để chấm dứt tình trạng đói nghèo cùng cực và thúc đẩy thịnh vượng chung trong bối cảnh các nền kinh tế đang đối phó với những tác động của các cuộc khủng hoảng chồng chéo trên phạm vi toàn cầu. Để tìm hiểu thêm thông tin, vui lòng truy cập www.ifc.org
Cập nhật thêm tại
www.ifc.org/southasia
www.ifc.org/eastasia
www.twitter.com/IFC_SouthAsia
www.twitter.com/IFC_EAP
www.facebook.com/IFCsouthasia
www.facebook.com/IFCeap
www.linkedin.com/showcase/ifc-asiapacific
www.youtube.com/IFCvideocasts
www.ifc.org/SocialMediaIndex
www.twitter.com/IFC_org
www.instagram.com\ifc_org
www.facebook.com/IFCwbg
Thùy Dân