Với sự bảo trợ của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, sự hỗ trợ của Hội Tin học TPHCM (HCA), Hội Tin học Việt Nam (VAIP) và Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) chính thức được khởi động. Với quy mô diễn ra toàn quốc từ tháng 05 đến tháng 10 năm 2019, cuộc thi sẽ là sân chơi dành riêng cho cộng đồng khởi nghiệp xoay quanh chủ đề Trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật kết nối (IoT) tại Việt Nam.
"AIoT & Smart Cities 2019" với mục tiêu mang đến cho các em sinh viên, các doanh nghiệp trong và ngoài ngành CNTT không gian giao lưu, sáng tạo: chia sẻ các xu hướng khoa học công nghệ trên thế giới như trí tuệ nhân tạo (AI); Internet vạn vật kết nối (IoT); cập nhật mức độ sẵn sàng của cộng đồng khởi nghiệp trước làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ 4; trao đổi kinh nghiệm về khởi nghiệp; khơi nguồn ý tưởng – phát triển sản phẩm từ ý tưởng khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo.
Với những mục tiêu trên, ngoài tìm kiếm những ý tưởng mới, cuộc thi còn hướng đến giải quyết các bài toán cụ thể của từng doanh nghiệp, tổ chức theo các đơn đặt hàng. Các tổ chức, doanh nghiệp căn cứ vào nhu cầu cải tiến, hoàn thiện công nghệ, sản phẩm hay muốn tối ưu hóa khai thác tài nguyên dữ liệu, gia tăng khả năng tiếp thị/ quảng bá/ chăm sóc khách hàng….đều có thể đưa ra những chủ đề/ những đơn đặt hàng để tìm hướng giải quyết tốt nhất.
- Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TPHCM, Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung phát biểu tại lễ công bố: “Với mục tiêu xây dựng hệ sinh thái phát triển CNTT-TT, HCA sẽ triển khai chương trình 10 + 20. Trong đó, 10 doanh nghiệp CNTT lớn, mỗi doanh nghiệp sẽ hướng dẫn, hỗ trợ ít nhất hai doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố trong hai năm liên tục (2019-2020) nhằm giúp doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận thông tin, phát triển sản phẩm dịch vụ và mở rộng thị trường. Trong thời gian sắp tới, HCA sẽ cùng đối tác nghiên cứu thành lập Innovation Center để đưa doanh nghiệp Việt hiện diện ngày càng nhiều hơn tại Thung lũng Silicon, Hoa Kỳ.”
- Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học Công Nghệ cho biết: “TP.Hồ Chí Minh cũng đang triển khai chương trình nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo giai đoạn 2019-2025, ông mong muốn cuộc thi này sẽ đóng góp một phần nhỏ vào chương trình qua việc tạo sân chơi hữu ích, tập trung nguồn lực, chia sẻ/định hướng nhu cầu và tiến tới giúp giải quyết các bài toán lớn của xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng trong tương lai”.
- Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TPHCM chia sẻ: Với TPHCM, chúng ta đã có đề án nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo giai đoạn 2019-2025. Đây là một đề án lớn sẽ giúp TP phát triển mạnh hơn, nhanh hơn; Với cuộc thi, tôi mong rằng nó sẽ không chỉ là sân chơi cho các đối tượng làm về AI và IoT mà còn là cầu nối giữa doanh nghiệp với các trường, viện trong việc nghiên cứu, phát triển AI/IoT để chúng ta có nhiều sản phẩm, giải pháp, ứng dụng phù hợp cho các hoạt động quản lý xã hội, cho sản xuất kinh doanh theo các mô hình mới, công nghệ mới của doanh nghiệp; đóng góp một phần nhỏ vào đề án nghiên cứu và ứng dụng AI của thành phố.
Phù hợp với mục đích cuộc thi, thể hiện vai trò đi đầu cũng như để giải quyết chính các nhu cầu của mình, tập đoàn BOSCH đã xác định đồng hành ngay từ đầu qua việc không những trở thành nhà tài trợ thiên thần với 02 bảng (7 mảng ứng dụng) mà còn tham dự với vài trò đồng tổ chức, tham gia Ban cố vấn để cùng hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ, huấn luyện cũng như lựa chọn để trao thưởng và ươm tạo các nhóm ý tưởng khả thi để có thể hoàn thiện hơn nữa các sản phẩm/ giải pháp của mình cũng như thương mại hóa các ý tưởng đó trong tương lai gần.
Đây cũng là điểm khác biệt của cuộc thi này khi hầu hết các ý tưởng đạt giải đều sẽ được xem xét nhận ươm tạo từ 06 tháng đến 02 năm cũng như hỗ trợ đăng ký tham dự chương trình SpeedUp của Sở Khoa học công nghệ, tìm kiếm thêm các nhà đầu tư thiên thần…chứ không chỉ dừng ở trao giải, nhận giải rồi đóng ý tưởng lại. Các nhóm ý tưởng tham dự cũng không chỉ nhận giải (khi đạt giải) mà còn được cơ hội gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ; được tư vấn (mentor), huấn luyện từ các chuyên gia với các kỹ năng hoàn thiện ý tưởng/sản phẩm, mô hình kinh doanh, kế hoạch kinh doanh, kế hoạch/phương án tài chính/marketing, kỹ năng thuyết trình và gọi vốn….; Qua cuộc thi các nhóm còn có thể hợp tác để cùng phát triển ý tưởng/ giải pháp của mình hay các ý tưởng mới phát sinh hoặc các đơn đặt hàng của doanh nghiệp, tổ chức.
Bên cạnh đó, với 03 Bảng thi (13 giải thưởng: 3 giải nhất, 3 giải nhì, 7 giải ba) với tổng giá trị 1.235.000.000đ (kể cả tiền mặt và chi phí ươm tạo) cũng sẽ là cơ hội cho rất nhiều ý tưởng/ giải pháp có cơ hội cùng tranh tài và đạt giải cũng như nhận các cơ hội lớn sau cuộc thi.
Phát biểu về chủ đề cuộc thi “Thông Minh Hơn Để Cuộc Sống Tốt Hơn” ông Vũ Anh Tuấn – Giám đốc QTSC Incubator, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi cho biết: “Với việc đưa trí tuệ nhân tạo vào các sản phẩm, giải pháp, ứng dụng… chúng ta sẽ làm cho chúng thông minh hơn, gần gũi – thân thiện hơn với người dùng; giúp việc trải nghiệm, sử dụng trở nên đơn giản, dễ dàng, thuận tiện như cuộc sống hàng ngày chúng ta đang trải qua, điều đó sẽ làm cho mục tiêu xây dựng đô thị thông minh ngày càng trở nên hiện thực, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện và tốt hơn. Trí tuệ nhân tạo trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ là chìa khóa giúp xã hội phát triển nhanh, văn minh, chất lượng cuộc sống được cải thiện từng ngày”
Đây cũng là một sân chơi mới dành cho những nhóm khởi nghiệp chuyên về trí tuệ nhân tạo, vốn mới chỉ được hình thành và phát triển trong thời gian ngắn gần đây, giúp họ có được những kết nối với nhau, chia sẻ những kiến thức, những xu hướng phát triển sản phẩm, hợp tác/chia sẻ nguồn lực….và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp cũng có được thông tin để hỗ trợ tốt hơn, để có thể “đặt hàng” giải quyết từng bài toán khi có được nguồn lực nhất định, ổn định.
Ông Baskaran R -Tổng giám đốc Tập đoàn BOSCH
Ngoài sự tham gia, hỗ trợ của các vườn ươm, trung tâm hỗ trợ ươm tạo tại TP.HCM (HIN, SHTPiC, AHBI, BSSC, ITP, HCMUT-TPI, SIHUB….), cuộc thi còn nhận được sự hưởng ứng, tham gia, hỗ trợ của hầu hết các vườn ươm lớn, các câu lạc bộ hỗ trợ khởi nghiệp trên nhiều tỉnh thành như vườn ươm Doanh nghiệp Hà Nội (HBi); trung tâm chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp ĐH quốc gia Hà Nội (CSK); vườn ươm Sông Hàn Đà Nẵng (SHi); vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc tại Cần Thơ (KVIP); các trường/ khoa CNTT/CLB hỗ trợ khởi nghiệp của nhiều trường đại học/ cao đẳng; các doanh nghiệp, hãng công nghệ liên quan/quan tâm. Chương trình kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng tốt, thu hút các nhóm ý tưởng, doanh nghiệp khởi nghiệp về AI và IoT trên toàn quốc tham dự. Qua đó, nâng cao trình độ nhận thức, khơi nguồn sáng tạo và thúc đẩy phong trào khởi nghiệp phát triển cũng như tìm kiếm các nhân tố đột phá, các ý tưởng mới, giải pháp có tính sáng tạo và khả thi cao phục vụ cho sự phát triển của TP.HCM và đất nước, đáp ứng nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp ứng dụng đặc biệt là với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật kết nối (IoT) – 2 xu hướng và công nghệ đang dẫn đắt và tác động lớn, quan trọng đến kinh tế, xã hội trong thời gian tới.
Thông tin về Vườn Ươm Doanh nghiệp Phần mềm Quang Trung:Công ty TNHH Ươm tạo Doanh nghiệp Phần mềm Quang Trung (gọi tắt là QTSC Incubator) được thành lập từ ngày 26/05/2005 và đi vào hoạt động từ tháng 03/2008 do Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung và Hội Tin Học TP.HCM đồng thành lập, hoạt động dưới hình thức phi lợi nhuận. QTSC Incubator là vườn ươm doanh nghiệp đầu tiên của cả nước hoạt động dưới sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của Cộng đồng Châu Âu và Chính phủ Việt Nam. Ngay từ khi đi vào hoạt động, QTSC Incubator đã đề ra phương hướng hoạt động và mục tiêu xây dựng một trung tâm ươm tạo chất lượng cao nhằm hỗ trợ và nuôi dưỡng các DNPM, CNTT vượt qua những khó khăn, rủi ro, thách thức trong giai đoạn đầu khởi nghiệp với nhiệm vụ chiến lược là khuyến khích hình thành phát triển các DNPM, CNTT trong phạm vi TP.HCM nhằm góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phần mềm thành ngành công nghiệp mũi nhọn phát triển bền vững và tăng trưởng cao về kinh tế, tạo ra nhiều việc làm mới, xây dựng thương hiệu CNTT quốc gia. Khi phong trào khởi nghiệp nhận được sự ủng hộ của Nhà nước, số lượng startup tăng nhanh và các vườn ươm/ trung tâm ươm tạo cũng từ đó mà thành lập nhiều hơn để hỗ trợ cho các doanh nghiệp thì QTSC Incubator luôn là nơi các vườn ươm/ trung tâm ươm tạo chọn để tìm hiểu, học tập mô hình vườn ươm để từ đó áp dụng cho vườn ươm/ trung tâm ươm tạo của mình. Tiến tới mục tiêu năm 2020-2022, QTSC Incubator sẽ trở thành vườn ươm công nghệ cao với mảng mũi nhọn là trí tuệ nhân tạo và công nghệ mới, đây sẽ vừa là thách thức vừa là cơ hội để vườn ươm QTSC phấn đấu xác định vị trí và vai trò của mình trong hệ thống hỗ trợ ươm tạo khởi nghiệp công nghệ Việt Nam.
Thanh Đức