Đánh giá về tình trạng ô nhiễm không khí trong những ngày qua, GS.TS Hoàng Xuân Cơ cho rằng Hà Nội đang bước vào đợt ô nhiễm ở mức nghiêm trọng nhưng không có một đơn vị nào của thành phố đứng ra cảnh báo, nhìn thẳng vào thực trạng này.
Một tuần qua, Hà Nội liên tiếp nằm trong top những thành phố ô nhiễm nhất thế giới theo xếp hạng của “Air Visual”. Các chuyên gia đánh giá, đây có thể là đợt ô nhiễm không khí “khủng khiếp” nhất tại Hà Nội từ trước đến nay. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng Hà Nội thờ ơ trước thực trạng đang diễn ra.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường, cho rằng Hà Nội đang bước vào đợt ô nhiễm ở mức nghiêm trọng nhưng không có một đơn vị nào của thành phố đứng ra cảnh báo, nhìn thẳng vào thực trạng này.
“Chúng ta có đủ nguồn lực để làm tình hình trở nên khả quan hơn, nhưng hiện chưa có đơn vị nào dám đứng ra làm và dám chịu trách nhiệm. Tôi chưa nhìn thấy vai trò quản lý của các sở, ngành của Hà Nội trong những ngày không khí ô nhiễm”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ nhìn nhận.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Mai Trọng Thái – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT), Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, theo số liệu từ 10 trạm quan trắc không khí của TP, những ngày qua chất lượng không khí tại Thủ đô luôn ở ngưỡng “xấu” và “rất xấu”.
“Chúng tôi đã cập nhật thường xuyên thông tin cảnh báo đến người dân để có thể hạn chế ảnh hưởng bởi ô nhiễm”, ông Thái thông tin.
Ông Mai Trọng Thái – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. (Ảnh: Thành An)
So sánh với cùng kỳ năm ngoái, ông Thái cho rằng, năm nay chất lượng không khí kém hơn. Nồng độ bụi PM2.5 tại các trạm có thể lên đến >200 µg/m3 vào buổi sáng sớm, trong khi nồng độ bụi ngày cao nhất vào tháng 12.2018 vẫn <100 µg/m3. Nguyên nhân được ông Thái chỉ ra là do các chất ô nhiễm trong không khí có nguồn gốc từ các nguồn thải nhân tạo như hoạt động dân sinh đun nấu, giao thông, xây dựng, hoạt động công nghiệp, làng nghề… Các hoạt động này diễn ra mỗi ngày, đều đặn thải chất ô nhiễm vào môi trường.
“Trong những ngày qua, nguồn thải không biến động nhiều nhưng điều kiện khí tượng lại hết sức bất lợi cho việc khuếch tán chất ô nhiễm. Khí áp cao, lặng gió, không mưa, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch lớn gây ra hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ, các chất ô nhiễm bị tù đọng dưới mặt đất, không phát tán được, khiến môi trường không khí bị ô nhiễm”, ông Thái phân tích.
Ông Thái cũng nhận định, năm 2019 là năm xuất hiện nhiều dạng thời tiết cực đoan, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt. Đặc biệt vào mùa đông, điều kiện khí tượng không thuận lợi làm tích tụ ô nhiễm, ngoài ra cũng cần xem xét đến tác động của gió mùa đông bắc mang theo chất ô nhiễm xuyên biên giới, từ các khu vực tỉnh thành lân cận về Hà Nội làm gia tăng ô nhiễm không khí tại Thủ đô.
Để khắc phục, hạn chế tình trạng trên Chi cục trưởng Chi cục BVMT Hà Nội cho biết, UBND TP.Hà Nội đã quyết liệt chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành thực hiện ngay công tác đầu tư tăng cường hệ thống quan trắc không khí và liên tục cập nhật, cung cấp thông tin về các chỉ số môi trường hằng ngày, hằng giờ.
Người dân trên địa bàn Hà Nội những ngày qua bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí. (Ảnh: Hoàng Minh)
Tăng cường cơ giới xe quét, hút bụi trong công tác vệ sinh môi trường; vận động người dân không sử dụng bếp than tổ ong. Quản lý, thắt chặt việc thực hiện che chắn công trình khi phá dỡ, xây dựng. Tăng cường kiểm tra, xử lý xe vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng, rác thải không đảm bảo che chắn, gây phát sinh ô nhiễm.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ đốt phát điện, hiện đại thay thế phương pháp chôn lấp truyền thống; Tiếp tục chương trình trồng cây xanh trên địa bàn Thành phố; Triển khai chiến dịch “Cánh đồng không đốt rơm rạ”; Triển khai Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030”; Phát triển giao thông vận tải theo hướng sử dụng vận tải công cộng (xe bus, tàu điện), hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.
Nhân công thi công mở rộng đường Đại lộ Thăng Long dùng máy công suất lớn thổi bụi để làm sạch mặt bằng, gây bụi mù mịt, trong khi người dân đi lại cạnh đó. (Ảnh: T.An)
Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với Cục Đăng kiểm thực hiện nghiêm công tác đăng kiểm xe cơ giới. Triển khai lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải tối thiểu Euro 4, 5. Từng bước kiểm soát khí thải môtô, xe máy đang lưu hành có lộ trình loại bỏ xe cũ nát không đủ tiêu chuẩn khí thải…
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, xây dựng nội dung quy tắc ứng xử nơi công cộng giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, bảo vệ môi trường Thủ đô.
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đã đưa ra những nhận định cụ thể về chất lượng không khí tại Hà Nội và các thành phố lớn trong những ngày qua.
Theo đó, Tổng cục Môi trường cho biết nồng độ bụi PM2.5 trong không khí ở Hà Nội đã vượt ngưỡng tiêu chuẩn 2-3 lần, chạm ngưỡng rất xấu. Cơ quan này khuyến cáo người dân không nên hoạt động ở ngoài trời.
Đáng chú ý, Tổng cục Môi trường đưa ra dự báo đến ngày 18/12, Hà Nội có thể có mưa. “Do đó, trong vài ngày tới, chất lượng không khí có thể duy trì ở mức xấu”, báo cáo của Tổng cục Môi trường nêu.
Chủ tịch Hà Nội chỉ hướng khắc phục Trả lời cử tri trong cuộc tiếp xúc mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, TP đã hợp tác với các đơn vị và kêu gọi đầu tư tư nhân bỏ tiền ra nhập các thiết bị máy móc để phá dỡ các tòa nhà. Các máy này sẽ nghiền vụn, lọc đất ra đất, cát ra cát, bê tông ra bê tông, hoàn toàn không có bụi. Vật liệu này có thể tái sử dụng. Máy về hai năm nay nhưng chưa có chế tài bắt buộc các đơn vị khi phá dỡ phải chở vật liệu đến đây. Bộ Xây dựng chưa có quy định dùng lại các vật liệu tái tạo này cho nên chưa hiệu quả. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, ngay từ năm 2016, Hà Nội đã hợp tác với một tập đoàn của Paris, chính là tập đoàn đang tư vấn giảm thiểu ô nhiễm không khí của Bắc Kinh, đang thực hiện quan trắc, đưa ra các giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm cho Thủ đô Paris và toàn nước Pháp. Ông Chung cho biết, từ nay đến hết tháng 6/2020, sẽ cố gắng lắp đặt khoảng 120 trạm quan trắc môi trường trên toàn thành phố, trong đó có 10 trạm di động, lắp đặt ở khu vực nào có ô nhiễm để xác định thông số. “Việc đầu tiên chúng ta phải có các trạm quan trắc thì mới đánh giá được mức độ ô nhiễm, nguồn gây ô nhiễm, đưa ra được các giải pháp có hiệu quả”, ông Chung nói. |