Bữa ăn của nhiều trường học tại TPHCM "trắng" thịt lợn (ảnh minh họa)
Cách đây nhiều ngày, phụ huynh Trường mầm non H.P, ở Thủ Đức, TPHCM đã liên tục chia sẻ với nhau thông tin nhà trường tạm thời sẽ không dùng thịt lợn trong thực đơn hàng ngày cho trẻ.
Thực đơn trong trường không khác so với trước đây, nhưng tất cả các món thường được chế bến cùng thịt lợn được thông tin là đổi sang thịt bò như đậu hũ dồn thịt bò, nui nấu bò...
Chị Nguyễn Thị Phúc, có con học tại trường cho hay, trước lo lắng về sự thiếu an toàn của thịt lợn, gia đình chị cũng tạm bỏ thực phẩm này ra khỏi bữa ăn hàng ngày.
Chị đang lo chuyện ăn uống ở trường của con do ở trường thường dùng thịt lợn, chị còn nghĩ liệu có thể để con mang theo khẩu phần ăn thì nhận được thông tin này của trường nên "nhẹ cả người".
Hàng loạt các trường mầm non, đặc biệt là các trường tư thục tại TPHCM cũng "gác" thịt lợn ra khỏi thực đơn và thông báo rộng rãi để phụ huynh biết. Điều này được nhiều trường thực hiện bắt đầu từ ngày 18 - 20/3 vừa qua và tiếp tục duy trì cho đến nay.
Trường mầm non M. (Q. Gò Vấp) lo ngại dịch bệnh tả lợn châu Phi và một số trường học trẻ miễn sán lợn ở Bắc Ninh, trường vẫn đang ngưng toàn bộ thức ăn liên quan hoặc chế biến trực tiếp từ thịt lợno, thay vào đó là tôm, bò, mực, gà, cá.... Việc "cấm vận" này chưa được tháo gỡ từ 18/3 cho đến nay.
Đại diện nhà trường cho biết, việc này nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh và nhân viên của trường.
Né thịt lợn: Không cần thiết
Việc nhà trường đưa thịt lợn ra khỏi thực đơn bữa ăn của trẻ, theo nhiều người chủ yếu để "chiều lòng" phụ huynh, còn đây là động thái không cần thiết.
Việc ngưng sử dụng thịt lợn vì lo ngại dịch bệnh theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1) là không cần thiết. Quan trọng nhất là ăn chín uống sôi, tìm nguồn thực phẩm đảm bảo an toàn. Còn không đảm bảo được các yếu tố này thì thịt gì cũng có thể gây hại chứ không riêng gì thịt lợn.
Thực đơn của một trường học ở TPHCM tạm thời không có thịt lợn.
Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM bày tỏ trong thời gian qua, dư luận phụ huynh quan tâm tình trạng học sinh bị nhiễm sán, dịch heo Châu Phi là quan tâm chính đáng vì liên quan đến sức khỏe con em họ. Khi nắm những thông tin này, Sở đã có chỉ đạo các trường phải rà soát lại việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong nhà trường.
Bà Thu cũng nhấn mạnh, đến nay Sở không có chỉ đạo nào về việc ngưng sử dụng thịt lợn trong trường học. Nhưng Sở nhắc nhở các đơn vị giáo dục, khi nhập thịt, thực phẩm phải chọn những nhà cung cấp truy xuất được nguồn gốc, cũng như có chứng nhận về đảm bảo an toàn thực phẩm do thành phố cấp. Và thông tin điều này để phụ huynh được biết.
Lãnh đạo Sở cũng lưu ý các trường có bếp ăn bán trúc phải thực hiện kiểm tra 3 bước theo qui định: nguồn thực phẩm đầu vào, khi chế biến, lúc thành phẩm trước khi cho học sinh ăn. Đối với trường đặt suất ăn công nghiệp phải bảo đảm thời gian từ khi chế biến xong cho đến khi cho học sinh ăn không được quá 2 tiếng.
Việc lưu mẫu thực phẩm đúng theo qui định: Mỗi một loại thức ăn lưu trong một vật dụng riêng biệt, vật dụng lưu mẫu nên sử dụng bằng inox. Niêm phong mẫu lưu chặt chẽ, an toàn; Có sổ ghi chép việc thực hiện lưu mẫu đúng theo quy định; thời gian lưu là 24 tiếng.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng lưu ý, thịt lợn là một trong những nguồn cung cấp chất đạm trong bữa ăn hằng ngày, việc không sử dụng thịt lợn trong thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng. Đối với trẻ nhỏ đạm là thành phần tạo ra các tế bào dinh dưỡng giúp trẻ tăng trưởng nên thực đơn cần được cân đối hợp lý.
Theo Hoài Nam/dantri.com.vn