Ngày nay, việc lựa chọn và định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên là một công việc rất quan trọng để tránh tình trạng thừa thầy thiếu thợ sau khi rời ghế nhà trường. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với TS Võ Minh Hùng, Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế và Sau đại học, trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu.
Xuất thân từ một gia đình nghèo khó, bằng ý chí, khát vọng và nghị lực của mình, thầy Võ Minh Hùng đã quyết tâm vươn lên và lấy bằng tiến sĩ năm 32 tuổi. Với thầy Võ Minh Hùng việc định hướng nghề nghiệp khi còn ngồi trên ghế nhà trường là một việc làm hết sức quan trọng, quyết định đến thành bại của mỗi người sau này.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình đặc biệt khó khăn, vậy đâu là động lực để thầy vươn lên và trở thành một tiến sĩ ở tuổi 32?
- Gia đình chính là động lực để tôi vươn lên và lấy bằng tiến sĩ ở năm tôi 32 tuổi. Trước đây, gia đình tôi là một trong những hộ nghèo nhất của xã Hải Trường (thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), bố mẹ già yếu, 2 người chị bị ảnh hưởng chất độc da cam phải nằm một chỗ, ở chung trong một căn nhà tranh rách nát. Phải nói rằng, nhà tôi lúc đó vô cùng khó khăn. Có những lúc, tôi từng mơ về một bữa cơm có đầy đủ cá thịt, một bộ sách mới để học, một chiếc xe đạp để đến trường.
Thậm chí đến năm 2012, năm tôi đi du học để lấy bằng tiến sĩ mà gia đình vẫn còn nghèo. Cho nên, trong con người của tôi lúc nào cũng bừng cháy một khát vọng vươn lên, bởi theo tôi nghĩ, chỉ có một con đường duy nhất để thoát nghèo đó là “học và phải học thật giỏi” mới hy vọng thay đổi số phận của mình và của gia đình. Đó chính động lực để tôi vượt qua mọi khó khăn và gặt hái những thành quả như hôm nay.
Viện Đào tạo quốc tế và Sau đại học thuộc Trường đại học Bà Rịa Vũng Tàu đã tổ chức chương trình "Đánh thức khát vọng, định hướng tương lai". Vậy mục đích của chương trình muốn hướng đến là gì, thưa Tiến sĩ?
- Chương trình “Đánh thức khát vọng, định hướng tương lai” do Viện Đào tạo quốc tế và Sau đại học thuộc trường Đại học Bà Rịa- Vũng Tàu tổ chức thực hiện. Đây không chỉ là chương trình chia sẻ kinh nghiệm sống, tạo động lực vượt khó giúp học sinh, sinh viên tự tin, tự khám phá tiềm năng bản thân mà còn là một hành trình đánh thức ước mơ, khát vọng chinh phục thành công bằng chuỗi những hoạt động ý nghĩa và thiết thực.
Chương trình được thực hiện dài hơi, đồng hành xuyên suốt với các em học, sinh viên từ năm 2021 trở đi.
Ngoài ra, chương trình được thực hiện với các mục đích cụ thể khác như đánh thức ước mơ, khát vọng của học sinh sinh viên; tạo động lực vượt khó trong học tập cho các em; định hướng nghề nghiệp, định hướng tương lai cho các em sau này.
Xây dựng quỹ học bổng “Đánh thức khát vọng” nhằm trao học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó và có thành tích xuất sắc trong học tập. Đồng thời, lan toả yêu thương vì cộng đồng, lan tỏa những giá trị nhân văn và cùng nhau hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn.
Hiện nay, việc chọn ngành, chọn nghề rất được nhiều bạn học sinh quan tâm. Vậy để chọn đúng nghề, học sinh cần lưu ý những gì?
- Lựa chọn nghề nghiệp luôn được coi là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến tương lai, thành bại của mỗi người. Vì vậy, việc lựa chọn cho mình một ngành nghề phù hợp là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Tuy nhiên, có một thực tế đang diễn ra hiện nay là đa phần các em học sinh không mấy quan tâm đến việc lựa chọn nghề nghiệp cho chính bản thân mình sau này. Thậm chí một số em chọn nghề theo cảm tính, không quan tâm tới đặc thù nghề nghiệp cũng như triển vọng công việc sau khi ra trường như thế nào. Theo khảo sát sơ bộ của chúng tôi hiện có khoản 15%-20% sinh viên sau khi tốt nghiệp mới biết mình đã chọn sai nghề. Hậu quả của việc chọn sai nghề đó là lãng phí tiền bạc, thời gian và công sức.
Theo tôi, để chọn đúng ngành nghề, các em học sinh cần lưu ý những điểm sau: Đầu tiên, học sinh cần phải xét đến yếu tố mình có thích, có giỏi với ngành nghề đó không.Tiếp đến, cần tìm hiểu thông tin nhiều nhất về ngành nghề mình chọn và nhu cầu xã hội như thế nào. Tiếp theo là tìm hiểu ngành nghề đó trường nào đang đào tạo, mức học phí ra sao có phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình hay không. Sau đó, tham khảo các ý kiến người thân, bố mẹ, thầy cô trước khi đưa ra quyết định. Và cuối cùng, các em phải dũng cảm và kiên định ngành nghề mình đã chọn, khi cảm thấy ngành nghề nghiệp thích hợp với sở thích, năng lực, điều kiện kinh tế gia đình và nhu cầu của xã hội.
Bằng những kinh nghiệm của bản thân, thầy có thể gửi gắm điều gì đến các bạn học sinh, sinh viên ngày nay?
- Mỗi con người chúng ta sống ở trên đời này luôn phải có ước mơ, hoài bảo và đừng bao giờ từ bỏ nó vì đó chính là động lực để chúng ta vượt qua mỗi khi gặp thất bại.
Bên cạnh đó, chúng ta phải có niềm tin vào chính mình, phải biết đứng dạy sau mỗi lần vấp ngã. Luôn hoàn thiện bản thân bằng cách tự học và cuối cùng phải chọn cho mình một ngành nghề thích hợp để phát huy hết khả năng, năng lực của bản thân.
Xin cảm ơn Tiến sĩ về cuộc trao đổi này.
Thanh Đức