Từ ngày 1-7, Luật Cư trú có hiệu lực. Vận hành luật này, người dân kỳ vọng sẽ thoát được sự phiền toái bao năm qua mang tên sổ hộ khẩu - một cuốn sổ chi phối rất lớn đến dân sinh với bao ràng buộc về thủ tục, quy định từ quyền học hành, cư trú cho đến kinh doanh, thừa kế, chuyển nhượng tài sản…
Thực ra, đổ tội cho sổ hộ khẩu cùng "oan" cho nó, vì bản chất của nó nằm ở vấn đề tổ chức quản trị xã hội. Theo quy định của pháp luật hiện hành, sổ hộ khẩu có giá trị xác định nơi cư trú của công dân. Còn việc "nâng tầm giá trị" phức tạp của nó là do các luật khác quy định, khi thực hiện những thủ tục liên quan phải cần sổ hộ khẩu.
Ít ai ngờ rằng cách quản lý công dân bằng sổ hộ khẩu đã có từ thời cổ đại ở phương Đông. mục đích chính là để thu thuế và dụng binh. Xã hội dần phát triển đến thời hiện đại nhưng hình thức quản lý về bản chất không thay đổi nhiều. Sử dụng sổ hộ khẩu nhằm bảo đảm an ninh trật tự xã hội, kế hoạch hóa kinh tế và quản lý dân cư, chứ không biểu đạt quyền sở hữu hay sử dụng tài sản cả về đất đai. Sổ này được buộc phải sử dụng trong các thủ tục khác là bởi hệ thống về quản lý công dân chưa hoàn thiện, thông suốt và nó trở thành giấy tờ bảo đảm theo cách "nắm kẻ có tóc".
Khi hệ thống dữ liệu công dân của nhà nước khá đầy đủ thì tất cả thông tin về công dân từ ngày tháng năm sinh, chiều cao cân nặng, tài sản sở hữu, nơi cư trú... đều đưa về mã số định danh. Số này được sử dụng ở cơ quan quản lý cao nhất là Chính phủ cho đến cấp quản lý thấp nhất. Mọi thủ tục của công dân chỉ cần truy cập trên hệ thống, rất tiết kiệm, thuận lợi và tránh được phiền hà, nhũng nhiễu.
Luật Cư trú của chúng ta sẽ dần bỏ sổ hộ khẩu, hạn cuối là đến ngày 31-12-2022. Nhưng để chính sách này phát huy hiệu quả cao nhất thì phải cải cách triệt để thủ tục hành chính của hệ thống quản lý công, nâng tầm chức trách cán bộ thừa hành, chấm dứt nạn cát cứ quyền hạn của một số cơ quan nhà nước. Quan trọng không kém là sự liên thông giữa các ngành, các cấp và hệ thống dịch vụ tư (với những thông tin được luật cho phép) để những thông tin cá nhân được sử dụng hữu ích nhất, phục vụ vì quyền lợi cao nhất của chính công dân.
Cách đây gần 20 năm, một cuốn sách gây sửng sốt cho hàng triệu độc giả ở khắp thế giới: "Thế giới phẳng" của Thomas L. Friedman. Cuốn sách cho độc giả, thậm chí là các nhà chính trị cách nhìn về sự liên kết về thực thể và cả vô hình của các mặt đời sống xã hội qua từng cá nhân đến các quốc gia mà không thể cản ngại. Thế giới phẳng là cách vận hành tất yếu của cuộc sống hiện đại và khái niệm này ngày càng rõ rệt. Thế giới phẳng đã trở thành thuật ngữ để chỉ thế giới hiện tại.
Mã số công dân, hộ chiếu liên quốc gia, sản xuất không biên giới, công dân toàn cầu... là những gì chúng ta làm được để vượt qua cản ngại của các thủ tục trong một xã hội phẳng - thế giới phẳng.