Thị trường văn phòng TP.HCM
Trong Quý 1 chưa có dự án văn phòng mới nào hoàn thành. Tổng diện tích văn phòng cho thuê toàn TP.HCM giữ ở mức 1,5 triệu m2.
Thị trường văn phòng TP.HCM ghi nhận xu hướng phục hồi tốt, với tổng diện tích hấp thụ thuần chỉ trong Quý 1 đã tương đương 32% so với toàn năm 2021, đạt 17.000 m2. Với việc không có thêm nguồn cung mới và tâm lý thị trường được cải thiện, tỷ lệ trống trung bình của Hạng A và Hạng B giảm khoảng 1 điểm phần trăm theo quý và 2 điểm phần trăm theo năm. Tỷ lệ trống hiện tại của Hạng A là 11,6% và Hạng B là 7,9%.
Những khách thuê tích cực trong việc mở rộng trong Quý 1 chủ yếu thuộc các ngành phát triển mạnh sau đại dịch như CNTT và Logistics. Hai ngành này chiếm gần 60% tổng số diện tích được giao dịch. CNTT, Thương mại điện tử và Logistics vẫn là những ngành được đầu tư và phát triển mạnh, nhận được lượng lớn vốn đầu tư tại Việt Nam trong những năm gần đây, CBRE kỳ vọng các ngành này sẽ tiếp tục dẫn dắt nguồn cầu của thị trường văn phòng trong hai năm tới.
Theo mục đích thuê, giao dịch chuyển địa điểm vẫn chiếm tỷ trọng đáng kể nhất với 55% tổng số lượng giao dịch, còn lại là các giao dịch về gia hạn và mở rộng (lần lượt là 25% và 20%). Đã có các giao dịch diện tích cho thuê lớn (trên 1.000m2) tại một số tòa nhà hạng B chất lượng cao ở cả khu vực trung tâm và các khu vực khác như Thủ Thiêm, Quận 7 và Quận 10.
Tính đến Quý 1 năm 2022, giá thuê của Hạng A đạt mức 44,9 USD/m2/tháng, tăng 5,1% theo quý và 5,3% theo năm. Giá thuê của hạng B khá ổn định ở mức 25,9 USD /m2/tháng, tăng 1,7% theo quý nhưng tăng đến 3,1% theo năm.
Chúng tôi cũng ghi nhận nhiều yêu cầu thuê hơn từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, vốn trước đây thường tìm kiếm nhà phố làm văn phòng hoặc toà nhà văn phòng hạng C. Tuy nhiên, hầu hết các yêu cầu này đều cho diện tích dưới 300m2 và tập trung vào các khu vực lân cận trung tâm, khu Đông và lân cận sân bay, phù hợp với khả năng tài chính của các doanh nghiệp này.
TP.HCM dự kiến sẽ chào đón tổng cộng 96.000m2 NLA vào năm 2022 từ hai tòa nhà hạng B và một tòa nhà hạng A. Giá thuê của cả hai phân hạng đều được dự đoán sẽ tăng vào năm 2022 với giá thuê hạng A đạt mức cao mới vào năm 2023, cùng với làn sóng nguồn cung hạng A mới ở khu vực trung tâm hiện tại và khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Thị trường bán lẻ TP.HCM
Thị trường bán lẻ TP.HCM trong Quý 1/2022 chưa có nhiều chuyến biến mới. Theo Cục Thống kê TP.HCM, ước tính Quý 1/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 266.942 tỷ đồng, giảm 4,8% so với cùng kỳ. Trong đó, mức giảm tập trung ở nhóm các ngành dịch vụ như karaoke, vũ trường, massage, du lịch, là các nhóm ngành mở cửa hoạt động trở lại theo lội trình, vì thế, doanh thu vẫn còn hạn chế. Ngoài ra còn phải kể đến các nguyên nhân như thu nhập cũng như thói quen tiêu dùng của người dân có sự thay đổi, tâm lý e ngại dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp sau thời gian đầu kết thúc giãn cách, sức mua chưa đạt như kỳ vọng. Tuy nhiên, dự báo doanh thu thương mại và dịch vụ trong quý tiếp theo sẽ đạt được mức tăng trưởng dương khi các hoạt động kinh doanh trên địa bàn và sức tiêu thụ của người dân có xu hướng tăng trở lại như hiện nay.
Thị trường bất động sản bán lẻ không ghi nhận nguồn cung mới trong Quý 1/2022, tổng nguồn cung bán lẻ tại TP.HCM không thay đổi, với diện tích cho thuê là 1.068.128 m2. Hoạt động thị trường ghi nhận mức độ phục hồi không đồng đều giữa các khu vực. Mặt bằng giá thuê khu ngoài trung tâm nhìn chung giảm từ 10-20% so với năm trước. Tuy nhiên, một số ít các TTTM có quy mô lớn có sự phục hồi tốt với lượng khách mua sắm đông đúc, ghi nhận mức giá tăng đáng kể, dẫn tới giá trung bình khu ngoài trung tâm tăng 7,5% so với quý trước và 2,5% so với năm trước. Giá thuê trung bình cho tầng trệt và tầng một của các TTTM ngoài trung tâm đang ở mức 35,5 USD/m2/tháng và giá thuê ở trung tâm là 145,1 USD/m2/tháng, gấp 4 lần giá thuê khu vực ngoài trung tâm (Giá thuê chưa bao gồm phí dịch vụ và thuế VAT). Diện tích trống tại khu trung tâm rất thấp với chỉ 3,5%, tương đương 3.800 m2, chủ yếu ghi nhận tại TTTM Icon 68 của toà nhà Bitexco Financial Centre, với khu foodcourt đóng cửa tại tầng 4. Trong khi đó diện tích trống của khu vực ngoài trung tâm là 13,7%, tương đương 131.300 m2, tăng 2% so với Q4/2021 và 0,6% so với cùng kỳ năm trước.
Về số lượng yêu cầu hỏi thuê, thị trường ghi nhận số lượng yêu cầu hỏi thuê giảm đáng kể so với giai đoạn trước dịch, giảm mạnh ở ngành hàng dịch vụ ăn uống (F&B), thời trang và phụ kiện. Điểm sáng của thị trường là có một số ngành hàng đang mở mới và mở rộng. Các thương hiệu xa xỉ vẫn tiếp tục quan tâm đến thị trường Việt Nam.
Nhiều nhà bán lẻ lớn trong nước và quốc tế với tài chính mạnh đang tăng tốc mở rộng, điển hình như Uniqlo với việc khai trương cửa hàng bán lẻ thứ 11 tại Saigon Centre TP.HCM; Pandora khai trương cửa hàng mới tại AEON Long Biên, Hà Nội; AEON đặt mục tiêu mở 100 siêu thị AEON MaxValu đến năm 2025; BRG Retail hợp tác mở rộng chuỗi siêu thị Fujimart với Sumitomo Corporation với mục tiêu đạt khoảng 50 cửa hàng mới vào năm 2028; NovaGroup triển khai hàng loạt kế hoạch mở mới trong tháng 3 và 4 năm 2022, …
Nguồn cung tương lai 2022-2024 dự kiến đạt khoảng 235.000m2, trong đó việc xây dựng các dự án ở khu vực trung tâm vẫn đang tiếp tục trì hoãn. Hoạt động cho thuê của các TTTM mới này ghi nhận khá chậm, vì các đơn vị bán lẻ có xu hướng thận trọng hơn trước đây nhiều trong việc mở rộng.
Nhận xét về triển vọng của thị trường bán lẻ tại Việt Nam trong thời gian tới, bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó Giám đốc, BP. Nghiên cứu và Tư vấn, CBRE Việt Nam cho rằng: “Những khó khăn từ kinh tế vĩ mô đang làm giảm sức mua của người tiêu dùng trong ngắn hạn. Thị trường dự báo sẽ “ấm” dần lên và hồi phục vào những tháng cuối năm. Lượng khách mua sắm đông đúc vào các kỳ nghỉ lễ, cuối tuần và lượng khách du lịch trong nước tăng cao vào kỳ nghỉ Tết cho thấy người tiêu dùng đã bắt nhịp với hoạt động bình thường mới. Tuy nhiên, sự mở rộng của các nhà bán lẻ dự kiến sẽ không đồng đều giữa các nhóm ngành thương mại khác nhau.”
Thị trường căn hộ bán TP.HCM
Trong Q1/2022, thị trường ghi nhận duy nhất một dự án hiện hữu mở bán giai đoạn tiếp theo với 884 sản phẩm (dự án Akari City – Quận Bình Tân), tương ứng nguồn cung mới theo quý thấp nhất kể từ năm 2013. Ảnh hưởng tiêu cực của vấn đề cấp phép từ năm 2019, quỹ đất ngày càng hạn chế và tâm lý thận trọng của thị trường sau khi trải qua hai năm dịch bệnh dẫn đến nguồn cung tạm thời hạn chế trong ngắn hạn.
Phân khúc cao cấp tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường kể từ năm 2020 với tỷ trọng hơn 50% nguồn cung mới. Các phân khúc từ cao cấp trở lên mở rộng địa bàn hoạt động khiến căn hộ trung cấp và bình dân dần vắng bóng tại thị trường TP.HCM, buộc người mua nhà phải chấp nhận mức giá cao hơn hoặc chuyển hướng tìm kiếm sang các địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai và xa hơn.
Nguồn: BP. Nghiên cứu và Tư vấn, CBRE Việt Nam, Quý 1/2022.
Giá bán trung bình trên thị trường sơ cấp đạt mức 2.390 USD/m2, tăng 3,9% theo quý và 7,8% theo năm. Mức giá trung bình tiếp tục tăng do có sự chuyển dịch cơ cấu từ bình dân, trung cấp lên cao cấp và hạng sang. Tuy nhiên, tốc độ tăng chậm lại từ năm 2021 vì mức giá các nguồn cung mới đều nằm ở mức đầu của phân khúc cao cấp hoặc hạng sang. Tiêu biểu như các dự án hạng sang đầu tiên ở An Phú, Thảo Điền: Masterise Lumiere Riverside và Thảo Điền Green; các dự án cao cấp đầu tiên tại Bình Tân, Bình Chánh: Moonlight Centre Point, Mizuki Park MP9 - MP10 và giai đoạn tiếp theo của Akari City. Xu hướng chuyển dịch cơ cấu sản phẩm khiến giá sơ cấp trung bình của phân khúc hạng sang và cao cấp giảm nhẹ khoảng 1,2% theo quý, trong khi bình dân và trung cấp tăng 1,6 – 4,7% theo quý.
Quý 1/2022 ghi nhận 1.247 căn hộ được tiêu thụ, giảm 78% so với quý trước và 53% so với cùng kỳ năm 2021. Nguồn cung mới khan hiếm là nguyên nhân chính khiến số lượng căn hộ bán được giảm, tuy nhiên tỷ lệ hấp thụ của dự án mới ở mức 90%, cho thấy lượng cầu nhà ở trên thị trường vẫn duy trì tốt.
Giá bán trung bình trên thị trường sơ cấp: USD/m2 (chưa bao gồm thuế GTGT và được tính trên diện tích thông thủy), thể hiện giá bán của tất cả các dự án sơ cấp đang bán trên thị trường trong quý khảo sát.
Mặc dù quý đầu tiên của năm 2022 có số lượng chào bán ít nhưng CBRE ghi nhận một loạt các hoạt động khác của chủ đầu tư để chuẩn bị cho việc ra hàng trong những quý tiếp theo như giới thiệu dự án mới, tổ chức lễ ra quân, nhận giữ chỗ (Lancaster Legacy, Urban Green, The 9 Stellars, The Peak Garden). Những dự án này thu hút nhiều sự quan tâm của thị trường, đặc biệt là các dự án cao cấp và hạng sang có vị trí tốt, nằm ở khu vực đông dân cư và đầy đủ tiện ích sống. Các chủ đầu tư hiện vẫn đang tiếp cận thị trường theo hướng thăm dò và khá thận trọng. Tuy nhiên, CBRE đánh giá điều này sẽ được cải thiện trong các quý tiếp theo khi thị trường bước vào giai đoạn bình thường mới, các đường bay quốc tế được nối lại và niềm tin thị trường phục hồi, giúp nguồn cung mới bùng nổ và dự kiến đạt hơn 20.000 căn trong năm nay. Phân khúc cao cấp và hạng sang tiếp tục thống trị với sự ra mắt của hàng loạt dự án tại TP. Thủ Đức, Nhà Bè, Quận 7, Bình Chánh. Giá sơ cấp trung bình sẽ tăng chậm lại tương ứng với sự chuyển dịch cơ cấu phân khúc sản phẩm tại các quận/ huyện ngoài trung tâm.
Nhận định về thị trường nhà ở, theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Cấp cao, CBRE Việt Nam: “Các tín hiệu tích cực từ các dự án cơ sở hạ tầng như cầu Thủ Thiêm 2, sân bay Long Thành là động lực thúc đẩy thị trường khu Đông nói riêng và TP.HCM, Đồng Nai nói chung. Bên cạnh đó, việc các chủ đầu tư đẩy mạnh mở rộng quỹ đất cho thấy định hướng phát triển của các doanh nghiệp đầu ngành cũng như triển vọng lạc quan của thị trường.”
Tiêu chí phân hạng căn hộ của CBRE:
- Siêu sang: dự án với giá sơ cấp trung bình trên 12.000 USD/m2
- Hạng sang: dự án với giá sơ cấp trung bình từ 4.000 đến 12.000 USD/m2
- Cao cấp: dự án với giá sơ cấp trung bình từ 2.000 đến 4.000 USD/m2
- Trung cấp: dự án với giá sơ cấp trung bình từ 1.000 đến 2.000 USD/m2
- Bình dân: dự án với giá sơ cấp trung bình dưới 1.000 USD/m2
(Giá bán không bao gồm VAT)
Thị trường khách sạn 4 – 5 sao tại TP.HCM
Sau hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam bắt đầu có nhiều tín hiệu khởi sắc Khách nội địa đã tăng cường tần suất du lịch trở lại sau nhiều tháng bị hạn chế bởi các lệnh giãn cách xã hội. Bên cạnh nhóm khách lẻ, thị trường còn ghi nhận sự bứt phá của du lịch MICE, theo đó, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2022, Vietravel và Saigontourist đã lần lượt phục vụ 9.000 và 13.000 lượt khách du lịch MICE trong nước. Từ tháng 11/2021, chương trình “hộ chiếu vắc xin” được triển khai thí điểm tại một số khu vực tỉnh thành và Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch từ 15/03/2022, tạo điều kiện thu hút khách quốc tế trở lại. Theo Tổng cục Du lịch, trong Quý 1/2022, lượng khách quốc tế đến và khách nội địa đạt lần lượt 91.000 lượt và 26,5 triệu lượt, tăng 89% và 58% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến hết năm 2021, thị trường khách sạn 4 – 5 sao TP.HCM có tổng cộng 11.182 phòng với 51 dự án, trong đó năm 2021 chỉ có thêm một nguồn cung mới 237 phòng từ dự án Wink Hotel Saigon Centre khai trương vào tháng 4. Trong Q1 2022, thị trường không có thêm nguồn cung mới. Dự kiến trong năm 2022 sẽ có thêm 3 dự án mới được mở bán với tổng cộng 616 phòng.
Giá phòng bình quân năm 2021 chỉ đạt 72,4 USD/phòng/đêm, giảm 20,6% so với 2020. Xu hướng chuyển đổi thành cơ sở cách ly có trả phí khá phổ biến, nhờ vậy công suất phòng được cải thiện dần so với giai đoạn mới bùng phát dịch năm 2020. Công suất phòng bình quân năm 2021 đạt 28,5%, tăng 3,6 điểm phần trăm (đpt) so với cùng kỳ. RevPAR năm 2021 chỉ đạt 20,3 USD/phòng/đêm, giảm 15% so với 2020. Dịch bệnh tiếp tục là thách thức lớn, do vậy, tình hình hoạt động của thị trường khách sạn chưa ghi nhận nhiều thay đổi tích cực. Cụ thể, giá phòng và doanh thu phòng năm 2021 lần lượt thấp hơn 40% và 75% so với mức năm 2019. Công suất phòng duy trì ở mức thấp hơn 40 đpt so với cùng kỳ năm 2019. Nhờ tác động tích cực của việc mở cửa du lịch, tình hình hoạt động thị trường khách sạn 4 – 5 sao sẽ hồi phục tương đối mạnh mẽ, nhất là trong giai đoạn nửa cuối 2022. Giá thuê phòng năm 2022 dự kiến tăng 23% và công suất phòng 20 điểm phần trăm so với cùng kỳ.
Thị trường khách sạn 4 – 5 sao tại Hà Nội
Thị trường khách sạn 4 – 5 sao tại Hà Nội có tổng cộng 8.407 phòng từ 38 dự án tính đến hết năm 2021. Trong năm 2021, thị trường chỉ đón chào một khách sạn 5 sao mới – Capella Hanoi, được khai trương với 47 phòng, nâng tổng số lượng nguồn cung lên 8.407 phòng từ 38 dự án. Trong Q1 2022, thị trường có thêm 1 dự án mới, Eastin Hotel & Residences Hanoi với 196 phòng. Dự kiến trong 2022 sẽ còn thêm một dự án mở bán với tổng cộng 180 phòng.
Do dịch bệnh kéo dài, giá thuê phòng bình quân năm 2021 tiếp tục giảm xuống còn 95,5 USD/phòng/đêm, giảm 5,7% so với năm 2020 và 19,7% so với năm 2019. Khách sạn tại Hà Nội được phép tiếp tục chào đón du khách mới vào tháng 10, sau khi các quy định hạn chế về giãn cách xã hội được nới lỏng vào tháng 9. Một số khách sạn 4 sao được chuyển thành cơ sở cách ly nhưng những biện pháp này cũng chỉ góp phần nhỏ trong việc cải thiện tình hình hoạt động. Năm 2021, công suất phòng của thị trường khách sạn Hà Nội đạt 30,6%, tiếp tục giảm 4,5 đpt so với năm 2020 và giảm 50,6 đpt so với mức năm 2019. Tình hình hoạt động dự kiến được cải thiện trong năm 2022, theo đó giá thuê phòng và công suất phòng lần lượt tăng 15% và 21 điểm phần trăm so với năm 2021, chủ yếu nhờ vào việc mở cửa du lịch trở lại.
Nguồn: BP. Nghiên cứu và Tư vấn, CBRE Việt Nam, Quý 1/2022
Tình hình dịch bệnh trong năm 2021 vừa qua đã có tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường khách sạn tại TP HCM và Hà Nội, tuy nhiên với việc thúc đẩy tiêm chủng nhanh chóng (hơn 70 triệu liều vắc-xin đã được sử dụng trên toàn quốc), Việt Nam đứng thứ ba trong số các quốc gia đạt tỷ lệ tiêm chủng nhanh nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Mặc dù sự phục hồi không ổn định trên khắp các quốc gia dự kiến sẽ tiếp tục, triển vọng du lịch Việt Nam năm 2022 nhìn chung sẽ tích cực, chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu du lịch trong nước mạnh mẽ với xu hướng thay đổi hướng đến du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch ven sông hoặc du lịch tại chỗ “staycation” và kết nối giữa các khu vực địa lý trong “chương trình hộ chiếu được tiêm phòng”. Tại TP.HCM, thị trường dự kiến sẽ có thêm nguồn cung mới khoảng 2.803 phòng từ 13 dự án, cùng với đó là sự hiện diện của các thương hiệu khách sạn cao cấp mới như Ritz Carlton, Mandarin Oriental, Hotel Indigo, Avani. Thị trường khách sạn tại Hà Nội cũng sẽ chào đón thêm các thương hiệu quốc tế như Four Seasons, Wink, Dusit và Fairmont.
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam
Tình hình du lịch tại các thành phố biển bị ngưng trệ do tác động của dịch bệnh. Tại thời điểm trước dịch, Đà Nẵng và Khánh Hòa là điểm đến của đông đảo khách quốc tế, trên 3,5 triệu lượt trong năm 2019. Tuy nhiên, lượng khách này sụt giảm mạnh hơn 80% so với cùng kỳ trong giai đoạn 2020 - 2021 khi Việt Nam tạm đóng cửa biên giới. Khách nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn trong tổng cơ cấu khách (40 – 50%) khiến tình hình kinh doanh du lịch tại Đà Nẵng và Khánh Hòa chịu nhiều thiệt hại nặng nề hơn.
Đại dịch Covid-19 góp phần thay đổi khẩu vị du lịch, theo đó, các địa điểm gần và có thể tiếp cận bằng phương tiện cá nhân thu hút nhiều khách hơn. Số liệu thống kê cho thấy lượng khách nội địa đến với Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận năm 2020 chỉ giảm 20 – 40% so với cùng kỳ, thấp hơn tương đối so với mức giảm 60 – 70% tại Đà Nẵng và Khánh Hòa. Trong bối cảnh dịch, thành phố biển đảo Phú Quốc vẫn duy trì là điểm đến lý tưởng với khách trong nước, lượng khách này chỉ giảm 23% so với mức 2019.
Xu hướng du lịch gần nhà trong năm 2020 cũng phần nào định hình lại thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Dòng vốn đầu tư bắt đầu dịch chuyển từ các thị trường truyền thống như Đà Nẵng và Khánh Hòa về các khu vực mới như Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận. Thêm vào đó, thông tin các dự án hạ tầng trọng điểm đang được tích cực triển khai như sân bay quốc tế Long Thành, sân bay Phan Thiết, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết…góp phần tạo sức bật cho hai khu vực này.
Năm 2021, BR – VT có thêm 3 dự án mới được mở bán lần đầu, Hyatt Regency Hồ Tràm Residences, Ixora Hồ Tràm by Fusion và Venezia Beach Bình Châu (Phân kỳ 1) với tổng cộng 382 căn biệt thự. Ngoài ra, NovaWorld Hồ Tràm cũng mở bán thêm phân kỳ mới Habana Island với 372 căn biệt thự.
Nguồn cung mới biệt thự nghỉ dưỡng tại BR – VT tăng mạnh từ năm 2019, nhất là các dự án phân hạng cao cấp (giá bán từ 52 - 78 triệu/m2 diện tích xây dựng) và dự án phân hạng sang (giá bán từ 85 – 130 triệu/m2 diện tích xây dựng). Thị trường BR – VT ngày càng sôi động nhờ xu hướng nở rộ các tổ hợp nghỉ dưỡng và giải trí, sự tăng cường hiện diện của các chủ đầu tư uy tín và các đơn vị quản lý quốc tế như Hyatt, Banyan Tree, Lodgis Hospitality, Best Western, Cross Hotels & Resorts…Nhờ vậy, mức giá bán trung bình thị trường toàn tỉnh liên tục được củng cố và đạt tốc độ tăng trưởng lũy kế CAGR 2018 – 2021 là 21%/năm.
Nguồn: BP. Nghiên cứu và Tư vấn, CBRE Việt Nam, Quý 1/2022
Năm 2021, Bình Thuận có thêm nguồn cung mới là 270 căn biệt thự từ phân kỳ Waikiki của dự án NovaWorld Phan Thiết.
Nguồn cung mới biệt thự nghỉ dưỡng tại Bình Thuận tăng vọt từ năm 2018, chủ yếu đến từ hai tổ hợp nghỉ dưỡng Novahills Mũi Né và NovaWorld Phan Thiết. Một số đơn vị quản lý quốc tế cũng đã nhanh chóng gia nhập thị trường này như Centara Hotels & Resorts, Grand Mercure (Accor) và trong tương lai gần dự kiến có thêm các thương hiệu Novotel & Movenpick (Accor), Wyndham Hotels & Resorts, Swiss-Belresort. Thị trường du lịch – nghỉ dưỡng Bình Thuận đang hồi sinh mạnh mẽ sau thời gian dài “ngủ đông” và được kỳ vọng bùng nổ trong giai đoạn 2022 – 2025, được hỗ trợ bởi sự tăng tốc của sóng hạ tầng. Mức giá bán trung bình thị trường toàn tỉnh ghi nhận tốc độ tăng trưởng lũy kế CAGR 2017 – 2021 là 16%/năm.
Ngành du lịch Việt Nam đang trên đà hồi phục, trong đó, khách nội địa sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ lực xuyên suốt năm 2022. Việt Nam hiện đã khôi phục loạt đường bay quốc tế thường lệ, tuy nhiên, một số thị trường khách trọng điểm như Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan chưa thể tăng nhanh trở lại do các quốc gia này vẫn đang duy trì chính sách thận trọng. Trong khi đó, các nước khu vực ASEAN đã đồng loạt mở cửa du lịch, tạo hiệu ứng lan tỏa giúp tăng cường thu hút khách đến với toàn khu vực. Sự trao đổi khách giữa các nước trong khối ASEAN dự kiến diễn ra sôi động, chủ yếu nhờ khoảng cách di chuyển ngắn và sự đơn giản hóa các thủ tục nhập cảnh. Nguồn khách từ ASEAN sẽ đạt tốc độ phục hồi nhanh chóng hơn và trở thành thị trường trọng điểm trong giai đoạn đầu mở cửa của du lịch Việt Nam.
Cùng với sự ấm dần lên của du lịch, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cũng bắt đầu “trở lại đường đua” sau hai năm trầm lắng, với nhiều dự án dự kiến sẽ được chào bán trong năm 2022 để nhanh chóng đón đầu đà tăng của du lịch – nghỉ dưỡng. Xu hướng bất động sản nghỉ dưỡng có thương hiệu đang ngày càng nở rộ, đặc biệt là sự tham gia của các thương hiệu lớn giúp nâng cao chất lượng dự án, thu hút dòng vốn và nâng cao giá trị tài sản đầu tư trong dài hạn.
Thùy Dân