Cần Giờ có khu dự trữ sinh quyển là lá phổi của TP.HCM
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Cần chính sách thu hút nhà đầu tư lớn
Báo cáo của UBND H.Cần Giờ cho biết sau 40 năm, H.Cần Giờ tăng trưởng tổng giá trị sản xuất bình quân đạt 10%/năm. Trong đó ngành nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 0,5%/năm, ngành công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 17%/năm và ngành dịch vụ tăng bình quân 18%/năm. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng như tỷ trọng ngành dịch vụ tăng từ 32,6% năm 2015 lên 40%; tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm từ 56,2% xuống còn 47% và ngành công nghiệp xây dựng tăng từ 11,3% lên 13%...
Mục tiêu phát triển Cần Giờ được xác định là xây dựng thành đô thị du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí tầm cỡ khu vực và quốc tế. Việc phát triển phù hợp với tiềm năng, thế mạnh vốn có của huyện, trong đó đảm bảo việc bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Hiện Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ đã được phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 có quy mô 2.870 ha tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh. Đây là dự án trọng điểm của thành phố, góp phần mở rộng không gian đô thị theo hướng hiện đại, tiến ra biển, tạo nên động lực phát triển cho thành phố trong những năm tới. Bên cạnh đó, dự án xây dựng cầu Cần Giờ kết nối với trung tâm thành phố và hiện đang xem xét phương án thiết kế. Đồng thời, thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức đối tác công tư - PPP nâng cấp cải tạo tuyến đường Rừng Sác; khai thác phát triển du lịch Cần Giờ...
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết du lịch Cần Giờ đã phát triển rất mạnh thời gian gần đây. Nếu như năm 2010 chỉ có 410.000 du khách thì đến năm 2018, số khách du lịch đến Cần Giờ đạt gần 2 triệu khách, tăng hơn 500%. Năm 2010 đạt doanh thu 123 tỉ đồng thì đến 2018 có doanh thu hơn 900 tỉ đồng, tăng hơn 700%. Nhưng so với tiềm năng, lợi thế của Cần Giờ thì kết quả trên vẫn chưa tương xứng. Vì vậy cần phải cụ thể hóa về tầm nhìn và lộ trình, tầm nhìn và khát vọng xây dựng Cần Giờ thành khu du lịch sinh thái tầm cỡ khu vực và thế giới. Đồng thời tập trung đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, cơ sở thương mại, dịch vụ, du lịch.
Ngoài ra, cần có chính sách để thu hút nhà đầu tư tầm cỡ, tạo khác biệt cho Cần Giờ. “Để phát triển được du lịch, tạo được sự đột phá trong du lịch, cần có dự án lớn, cần phải có công trình lớn. Và công trình dự án đó phải xứng tầm, phải có điểm nhấn khác biệt”, bà Hoa nhấn mạnh.
Ông Lê Minh Dũng, Phó bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND H.Cần Giờ, phát biểu mong mỏi thực hiện sớm các dự án trọng điểm cầu Cần Giờ, dự án đô thị biển... để tạo tiền đề cho phát triển Cần Giờ, đáp ứng nguyện vọng mong mỏi của nhân dân địa phương.
Khai thác thế mạnh du lịch của Cần Giờ
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhận định với sự kiên trì, quyết tâm xây dựng và phát triển, từ một địa phương là vùng đất sình lầy, ngập mặn, vùng duyên hải trước kia đã thay da đổi thịt như hôm nay. Sự phát triển của Cần Giờ chính là đổi đời, chấm dứt đói nghèo, có đường, có kè, có điện, có nước sạch, có rừng, có trường học, có y tế, có du lịch. Từ hơn 25% hộ nghèo nay còn dưới 6% hộ nghèo. Với Cần Giờ, thành phố trở thành một siêu đô thị có biển, có khu dự trữ sinh quyển là lá phổi cho mình và khu vực.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Trong thời gian tới, cần phát triển các trụ cột đã hình thành trong 40 năm qua. Trong đó bao gồm rà soát bổ sung quy hoạch phát triển nông nghiệp gắn với công nghệ cao, đồng thời gìn giữ bảo vệ môi trường. Thứ hai, đẩy mạnh khai thác thế mạnh của du lịch Cần Giờ, bao gồm tài nguyên du lịch về văn hóa, về sinh thái, về lịch sử, trong đó có hệ sinh thái độc đáo, môi trường xanh, lễ hội văn hóa Nghinh Ông, di tích văn hóa Óc Eo...
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ thêm: Từ khi về thành phố, ông đã họp nhiều lần về dự án khu đô thị du lịch Cần Giờ với mong muốn thành một quần thể du lịch của thành phố nhưng phải giữ được lợi thế tự nhiên văn hóa của vùng đất này. Trên nguyên tắc đó, các đơn vị đang làm dự án nhanh, quyết liệt nhưng phải thận trọng, đảm bảo môi trường tự nhiên. Đồng thời, Cần Giờ cần tiếp tục triển khai các dự án hạ tầng đồng bộ, phát triển giao thông thủy nội địa; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, gắn với phục vụ du lịch cũng như đảm bảo Cần Giờ là nơi địa bàn quan trọng về quốc phòng an ninh cho thành phố và khu vực phía nam...
Lợi thế lớn
Theo kết quả Đề án kiểm kê, đánh giá và quản lý hệ thống tài nguyên du lịch trên địa bàn TP.HCM năm 2017 do Sở Du lịch cùng Trường ĐH Kinh tế Luật TP.HCM và Khoa Du lịch - Trường ĐH Huế triển khai, với vị trí địa lý thuận lợi, Cần Giờ có lợi thế lớn về tài nguyên du lịch so với tài nguyên 24 quận, huyện của thành phố. Tài nguyên du lịch của Cần Giờ được đánh giá là độc đáo và đa dạng về giá trị thiên nhiên và văn hóa, thuộc 2 nhóm chính là tiềm năng du lịch sinh thái rừng ngập mặn và tiềm năng du lịch biển.
Theo thanhnien.vn