Bộ Xây dựng khẳng định, trong thực tiễn có chủ đầu tư lạm dụng chủ trương xây dựng nhà ở xã hội để hưởng lợi.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long liên quan đến chủ trương phát triển nhà ở xã hội.
Theo đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng, Luật Nhà ở 2014 đã luật hóa một chủ trương rất nhân văn là xây dựng nhà ở xã hội. Nghị định phát triển và quản lý nhà ở xã hội quy định các dự án khu đô thị mới từ 10ha trở lên phải dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho thấy có trường hợp lạm dụng chủ trương xây dựng nhà ở xã hội để một số đơn vị đứng lên làm chủ đầu tư hưởng lợi không đúng quy định; đối tượng được mua nhà ở xã hội thực tế sử dụng với số lượng ít.
Có hành vi chủ đầu tư ‘trục lợi’ từ chủ trương xây dựng nhà ở xã hội.
Trước nội dung chất vấn trên, Bộ Xây dựng cho biết, theo báo cáo của các địa phương, đến thời điểm tháng 5/2019 trên địa bàn cả nước đã hoàn thành được 204 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng 85.000 căn, với tổng diện tích hơn 4.250.000m2. Đang tiếp tục triển khai 220 dự án, quy mô xây dựng khoảng 179.000 căn, với tổng diện tích khoảng 8.950.000m2.
Tuy nhiên, kết quả phát triển nhà ở xã hội nêu trên vẫn còn hạn chế, mới chỉ đạt khoảng 33,9% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia (đến năm 2020 phải đạt 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội). Công tác quản lý phát triển nhà ở xã hội tại một số địa phương còn có một số hạn chế, trong đó có một số trường hợp mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng, sử dụng nhà ở xã hội sai mục đích, vi phạm quy định của pháp luật...
“Hiện nay, Bộ Xây dựng chưa có số liệu cụ thể về hành vi của các chủ đầu tư lạm dụng chủ trương xây dựng nhà ở xã hội để hưởng lợi không đúng quy định như Đại biểu phản ánh. Tuy nhiên có thể khẳng định đây là hành vi đã xảy ra trong thực tiễn”, Bộ Xây dựng nêu.
Cũng theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân chủ yếu là do một số địa phương chưa quan tâm đúng mức tới công tác chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, đặc biệt là kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; chưa bố trí đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội hoặc có bố trí nhưng ở các vị trí không thuận lợi hoặc chưa giải phóng xong mặt bằng, dẫn đến tình trạng thiếu gay gắt nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp. Lợi dụng việc mất cân đối cung - cầu lớn trong phân khúc nhà ở này, một số đối tượng đã có các hành vi lạm dụng chính sách trong quá trình phát triển nhà ở xã hội để trục lợi.
Đồng thời, các cơ quan quản lý, thanh tra chưa làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, dẫn đến tình trạng lạm dụng chủ trương xây dựng nhà ở xã hội để hưởng lợi không đúng quy định, một số đối tượng được mua nhà ở xã hội nhưng thực tế sử dụng không đúng mục đích; công tác xử lý các hành vi vi phạm chưa hiệu quả, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.
Các tồn tại, bất cập trong công tác phát triển, quản lý nhà ở xã hội có trách nhiệm của Bộ Xây dựng. Cụ thể, chưa thường xuyên thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền để chấn chỉnh đối với các trường hợp lạm dụng chủ trương xây dựng nhà ở xã hội để trục lợi, cũng như các đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không đúng quy định; Chưa kịp thời đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và báo cáo cơ quan quản lý theo quy định.