Đại diện một nhóm các nhà đầu tư nước ngoài chuỗi Món Huế cho biết nhân vật bà K.H được nhắc đến trong một số bài báo gần đây, thực chất không có liên hệ gì với nhóm các nhà đầu tư này...
Trong bối cảnh chuỗi nhà hàng Món Huế đóng cửa, ông chủ Huy Nhật “mất tích”, bà K.H bất ngờ xuất hiện dưới vai trò là một nhà đầu tư cá nhân của Công ty Huy Việt Nam.
Tính đến thời điểm này, bà K.H (đề nghị được giấu tên) cũng là người duy nhất trong ban quản trị công ty này xuất hiện trước công chúng, trả lời phỏng vấn trực tiếp báo chí.
Hôm qua (27/10), một số tờ báo cũng đưa thông tin về việc bà K.H đã gặp đại diện một nhóm nhà cung cấp hàng cho Công ty Huy Việt Nam vào ngày 27/10. Trước đó, cùng với thông tin đóng cửa, Món Huế bị tố nợ nhà cung cấp hàng chục tỷ đồng.
Theo nhà đầu tư nữ này, sự sụp đổ của chuỗi Món Huế hiện nay là do hệ thống đã phát triển quá nhanh và quá ẩu. Nhân lực không đủ quản trị, việc quản lý bị buông lỏng, chất lượng món ăn cũng không được kiểm soát nên dần đánh mất khách hàng.
Bà K.H cũng cho rằng để xử lý các công nợ hiện nay cần có sự xuất hiện của ông Huy Nhật. Về phương án trả nợ, trong tình hình của Huy Việt Nam hiện nay, chỉ có thể trả nợ dần cho các nhà cung cấp, chia theo từng đợt chứ khó có thể trả hết ngay.
Đáng lưu ý, trao đổi trên một số tờ báo, bà K.H. cho biết vẫn đang cố gắng liên lạc với ông Huy Nhật để giải quyết khoản nợ cho nhà cung cấp, đồng thời hỏi về việc sang nhượng lại thương hiệu Món Huế.
Khi lý giải vì sao mong muốn mua lại thương hiệu đã thất bại này, bà K.H này cho rằng những gì Món Huế từng đạt được tại thị trường F&B ở Việt Nam là điều không thể phủ nhận và chối bỏ.
Khá bất ngờ, khi trao đổi với Dân trí, đại diện một nhóm các nhà đầu tư nước ngoài chuỗi Món Huế lại xác nhận rằng nhân vật bà K.H được nhắc đến trong bài báo, người tự xưng là đại diện phát ngôn cho nhóm, thực chất không có liên hệ gì với nhóm các nhà đầu tư.
“Chúng tôi không rõ ai là bà K.H, và bà này đương nhiên không có liên hệ gì với nhóm cũng như hoạt động tố tụng đang được triển khai”, đại diện nhóm nhà đầu tư nước ngoài khẳng định.
Đại diện nhóm này cũng đưa ra nghi vấn về yếu tố “đánh lạc hướng dư luận”, đồng thời đặt vấn đề: “Trong trường hợp giả định này không chính xác, chúng tôi đề nghị mời bà K.H lên tiếng xác minh bản thân và liên hệ với nhóm các nhà đầu tư”.
Trong khi đó, trao đổi với Dân trí sáng ngày 28/10, bà K.H khẳng định việc mình không đại diện phát ngôn cho bất kỳ nhóm nhà đầu tư nào. Bà nhấn mạnh việc mình chỉ là một nhà đầu tư cá nhân.
Trước đó, nhóm các nhà đầu tư lớn của Công ty Huy Việt Nam cũng đã tiến hành các thủ tục pháp lý khởi kiện ông Huy Nhật, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Công ty tại Tòa án Nhân dân TP.HCM. Các thành viên của nhóm bao gồm: ADV Partners, AIF Capital, F&H Fenghe, Fortress Investments, Gryphus Capital và Welkin Capital.
Kể từ năm 2013 đến nay, nhóm các nhà đầu tư nói trên đại diện cho một nhóm các quỹ đầu tư tư nhân quốc tế đã đầu tư vào Huy Việt Nam với tổng số vốn hơn 70 triệu USD.
Đại diện nhóm nhà đầu tư cho biết, việc khởi kiện này này nhắm tới ông Huy Nhật và các cộng sự, bao gồm bà Ngô Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Điều hành của Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế, liên quan đến cáo buộc vi phạm nghĩa vụ và trách nhiệm của người quản lý, các giao dịch bất thường và có thể có yếu tố lừa đảo; theo đó ông Huy Nhật đã chiếm dụng một lượng lớn tiền mặt và tài sản.
“Ông Huy Nhật đã cung cấp cho các nhà đầu tư các báo cáo tài chính cho thấy việc kinh doanh đang tăng trưởng và thu về lợi nhuận”, đại diện nhóm nhà đầu tư thông tin với phóng viên Dân trí.
Điều đáng nói, đại diện nhóm đầu tư này cũng khẳng định họ thất bại trong việc liên hệ với ông Huy Nhật và đội ngũ quản trị. Việc đóng cửa chuỗi nhà hàng Món Huế cũng không được thông báo hay được sự chấp thuận từ phía nhà đầu tư.
“Chúng tôi đang cố gắng song chưa thể liên hệ được với ông Huy Nhật và đội ngũ quản trị vận hành, và hiện không rõ ông này đang ở đâu”, đại diện nhóm nhà đầu tư nói.
Theo tìm hiểu, Công ty Huy Việt Nam Group Limited hiện có các thương hiệu Món Huế, Phở Ông Hùng, Cơm Thố Cháy, Great Bánh Mì, Phở 99 và TP Tea.
Vào thời kỳ đỉnh cao, công ty đã tuyển dụng hơn 2.500 nhân viên trên toàn quốc và phục vụ 47.000 khách hàng mỗi ngày.
Theo báo cáo tài chính, tính đến cuối năm 2018, Công ty Món Huế có tổng tài sản 757 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả lên tới 841 tỷ đồng. Việc thua lỗ liên tục khiến vốn chủ sở hữu của Món Huế âm 85 tỷ đồng.
Đối với Huy Việt Nam - công ty mẹ của Món Huế, tổng tài sản năm 596 tỷ đồng, nợ phải trả chỉ 4 tỷ trong khi đó vốn chủ sở hữu lên tới 593 tỷ đồng.
Về kinh doanh, Món Huế dù được quảng bá rất hoành tráng nhưng doanh thu chỉ hơn 200 tỷ đồng. Năm 2017, 2018 công ty rơi vào thua lỗ với mức lỗ luỹ kế khoảng 107 tỷ đồng.
Dantri/Nguyễn Mạnh