Với kỳ vọng cho sự bứt phá và phát triển bền vững hơn trong năm 2022, hoạt động của thị trường bất động sản công nghiệp tại vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc tiếp tục cho thấy sự ổn định. Bắc Ninh vẫn là điểm sáng của thị trường miền Bắc, dẫn đầu về nguồn cung và nhu cầu cho hoạt động công nghiệp.
Đại dịch đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất công nghiệp trong Q3/2021, đặc biệt là ở các địa phương có nhiều khu công nghiệp lớn sau những đợt giãn cách xã hội kéo dài.
Theo báo cáo của Savills, sản xuất công nghiệp tháng 10/2021 trên cả nước giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm sâu nhất kể từ tháng 7, sau khi giảm 7,5% vào tháng 9. Sản lượng công nghiệp giảm 4 tháng liên tiếp từ tháng 7 đến tháng 10/2021, nhất là trong bối cảnh ca nhiễm Covid tăng cao cùng sự gián đoạn chuỗi cung ứng.
Bất chấp những thách thức đặt ra bởi tình hình đại dịch, tỷ lệ lấp đầy bất động sản công nghiệp ở một số tỉnh thuộc vùng Kinh tế Trọng điểm (KTTĐ) miền Bắc nhìn chung vẫn ổn định. Tỷ lệ lấp đầy trung bình toàn khu vực là 87% trên tổng diện tích đất Khu công nghiệp (KCN) và diện tích cho thuê 20.567 ha, tăng 2,35% so với cùng kỳ năm ngoái. Bắc Ninh và Hà Nội tiếp tục là hai thị trường dẫn đầu toàn khu vực.
Với 15 dự án, Bắc Ninh dẫn đầu vùng KTTĐ miền Bắc với tổng diện tích khu công nghiệp là 5.797 ha và đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình năm 2021 là 99%. Đây cũng là tỉnh có nhiều dự án được phê duyệt nhất trong Quý 1/2021 với 5 KCN sắp triển khai. Nổi bật nhất là KCN Quế Võ III có diện tích 208,54 ha với tổng vốn đầu tư 120,9 triệu USD hay KCN Gia Bình II diện tích 250 ha với 172,2 triệu USD tổng vốn đầu tư. Tương tự, nguồn cung nhà xưởng và nhà kho của Bắc Ninh cũng cao hơn toàn vùng ở mức 10,25% so với tổng nguồn cung của cả nước. Theo sau là Hải Phòng đạt 7,61%, Hải Dương 4,78% và Thái Nguyên 4,61%.
Tiếp đến là Hà Nội, khu vực này chứng kiến tỷ lệ lấp đầy tăng nhẹ 1%, đạt 91% với 13 dự án và đứng thứ hai toàn vùng. Hải Dương với sức tăng là 5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt tỷ lệ lấp đầy là 86% với 10 dự án. Vĩnh Phúc và Hưng Yên cùng ở mức cao hơn là 88%.
Xét về giá thuê, việc hạn chế đi lại và tỷ lệ lấp đầy tương đối ổn định đã khiến giá cả ít leo thang hơn so với giai đoạn 2018-2020. Trung bình, giá thuê đất tăng 9,89% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 100 USD/m2. Giá tại Hà Nội vẫn chiếm vị trí cao nhất với giá đạt 129 USD/m2. Các thị trường khác ghi nhận mức giá tăng với Bắc Ninh là 106 USD/m2, Hải Phòng tăng thành 101 USD/m2 và Hải Dương đạt 79 USD/m2. Hưng Yên có mức tăng mạnh nhất, đạt mức 22% so với cùng kỳ năm ngoái và giá là 101 USD/m2.
Theo ông John Campbell, Quản lý bộ phận BĐS Công nghiệp, Savills Việt Nam, “Những nhà phát triển công nghiệp đã không thể cho thuê nhiều bất động sản như dự kiến bởi các nhà đầu tư nước ngoài và khách thuê không thể trực tiếp tham quan, lựa chọn và ký hợp đồng cho thuê dịch vụ này. Tuy nhiên, năm 2021 có nhiều nguồn cung bất động sản công nghiệp do sự ra đời của các khu công nghiệp và dự án mới.”
Nếu như năm 2020, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, những hiệp định tự do Thương mại FTA đã tạo ra làn sóng dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc của các công ty đa quốc gia; đồng thời thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển theo chuỗi giá trị. Đến năm 2021, việc phong tỏa và hạn chế đi lại đã làm chậm sự di dời hoạt động khỏi Trung Quốc như dự kiến. Tuy nhiên, các nhà phát triển tin rằng hoạt động cho thuê sẽ hiệu quả hơn vào năm 2022; khách thuê và nhà đầu tư cũng sẽ có nhiều lựa chọn về nguồn cung mới khi nhiều lệnh giãn cách được dỡ bỏ.
Theo ông John, “Phần lớn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực sản xuất trong 9 tháng đầu năm 2021 đến từ các sản phẩm có giá trị gia tăng như điện thoại, máy tính và thiết bị điện tử. So sánh với vốn FDI 10 năm trước rõ ràng nhận thấy Việt Nam đang phát triển theo một chuỗi giá trị.”
Xét về vốn FDI, trong 9 tháng đầu năm, miền Bắc nhận được nhiều đăng ký mới nhất trong lĩnh vực sản xuất lớn nhất với 3,99 tỷ USD (chiếm hơn 72,92%), theo sau là miền Nam với 1,06 tỷ USD, chiếm 19,44%, miền Trung đạt 7,63%, tương đương 418 triệu USD. Xét riêng vốn đầu tư FDI của vùng KTTĐ miền Bắc, thiết bị điện chiếm 18% trong khi đó, sản phẩm máy tính và điện tử nhận được 16%.
Tính đến hết Quý 3/2021, Quảng Ninh có vốn FDI đăng ký mới ngành sản xuất nhiều nhất với 935 triệu USD, chiếm 17,08% tổng số vốn. Theo sau là Vĩnh Phúc với 693 triệu USD, chiếm 12,67% và Bắc Giang đạt 597 triệu USD, tương đương 10,91%. Bắc Ninh ở vị trí khiêm tốn hơn với 5,38%.
Ông Lê Huy Đông, Quản lý Bộ phận Dịch vụ Bất động sản Công nghiệp, Savills Hà Nội nhận định: “Nguồn cung tại Bắc Ninh không còn nhiều và các dự án mới được phê duyệt đều đang được triển khai một phần. Tuy nhiên nhu cầu tại đây vẫn rất lớn đi kèm với giá thuê sẽ tăng cao, tiệm cận với giá thuê tại Hà Nội. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh là một điểm sáng mới bên cạnh Hưng Yên, Bắc Giang, và Hải Dương. Đây là khu vực có rất nhiều ưu thế về tài nguyên và vị trí thuận lợi. Quảng Ninh vừa có đường biên trên bộ và trên biển, cảng biển nước sâu và sân bay Vân Đồn đang được xây dựng. Hơn nữa, khoảng cách của Quảng Ninh so với Hà Nội sẽ còn được rút ngắn khi các cây cầu được xây dựng xong.”
Một trong những điểm thu hút của vùng KTTĐ phía Bắc nằm ở mạng lưới giao thông phát triển, đất công nghiệp đắc địa được hỗ trợ bởi sự phát triển của nhiều cơ sở hạ tầng mới. Tại Hà Nội, các dự án trọng điểm đang được thi công và dự kiến hoàn thiện vào năm 2022 bao gồm đường vành đai 2, tuyến metro số 3, đường nối cầu Thượng Cát với quốc lộ 32 và cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2). Tầm nhìn tới năm 2030, thành phố sẽ mở rộng sân bay Nội Bài, xây dựng thêm đường vành đai, các tuyến metro, và bổ sung 6 cây cầu mới, giúp giao thông di chuyển trong thành phố thuận tiện hơn.
Nhìn chung, tiềm năng phát triển của các khu công nghiệp miền Bắc là rất lớn. Theo ông Lê Huy Đông: “Mặc dù miền Nam là đầu tàu kinh tế của Việt Nam nhưng các doanh nghiệp FDI mới vào Việt Nam sẽ có sự cân nhắc tìm kiếm đất thuê ở khu vực miền Bắc do mức giá thuê hợp lý hơn và nguồn cung tương lai tương đối dồi dào.”
Thùy Dân